Phương pháp cảm hóa học sinh cá biệt

Thứ năm - 10/05/2018 02:32
Hoang nghịch, thích gây gỗ đánh nhau, bỏ giờ, trốn học và không chấp hành nội quy của nhà trường là những biểu hiện thường thấy của những học sinh cá biệt.
Phương pháp cảm hóa học sinh cá biệt

Nguyên nhân chủ yếu là do tâm lý của lứa tuổi "dậy thì" thích thể hiện và dễ bị lôi cuốn theo những thói hư tật xấu dẫn đến bỏ học và có nguy cơ trở thành những đối tượng xấu. Đây là vấn đề gây trăn trở không chỉ trong nhà trường mà cả trong gia đình và xã hội. Dưới đây Aztest xin đưa ra một số gợi ý một số phương pháp giúp giáo viên gần gũi hơn và nhận được sự tương tác của những học sinh cá biệt này.

1. Tìm hiểu hoàn cảnh gia đình học sinh

Là giáo viên chủ nhiệm, đầu năm học bạn nên xây dựng một kế hoạch đi thăm gia đình học sinh trong lớp, mỗi tháng thăm được ít nhất 02 gia đình học sinh, để hiểu hơn về hoàn cảnh của học sinh và có biện pháp giáo dục phù hợp với từng đối tượng.
Theo các chuyên gia tâm lý giáo dục thì phần lớn tính cách nghịch ngợm của các em hầu hết đều bắt nguồn từ hoàn cảnh gia đình không hạnh phúc, bố hoặc mẹ ly dị, gia đình khó khăn hoặc mẹ đơn thân bị bạn bè chê cười,.... Trong những trường hợp này, người giáo viên phải thật sự nhẫn nại, biết thông cảm và chia sẻ với hoàn cảnh của học sinh mới có thể khiến các em mở lòng mình.

2. Không để các em bị cô lập trong lớp

Điều tối kỵ nhất trong giáo dục học sinh cá biệt là  làm các em học sinh rơi vào trạng thái thấy mình là kẻ cá biệt và cô độc trong lớp rồi nảy sinh những phản ứng tiêu cực. Vậy nên giáo viên tuyệt tối không dùng những từ ngữ khó nghe như “học sinh cá biệt”, “bất trị”, “vô học”, “hư hỏng”  bởi khi bước vào độ tuổi này, học sinh rất dễ tự ti và mặc cảm về bản thân, hình thành nên suy nghĩ thầy cô, bạn bè đều ghét bỏ mình. Từ đó khoảng cách giữa thầy vào trò càng lớn hơn, các em sẽ tự cô lập mình lại, ít giao lưu, tiếp xúc với tập thể lớp.
Bên cạnh đó, không lạm dụng hình thức thông báo với gia đình học sinh về những việc làm vi phạm kỉ luật trường, lớp của các em hay sử phạt quá khắt khe, nhắc đi nhắc lại nhiều lần lỗi vi phạm. Như vậy sẽ làm chai lì cảm xúc của học sinh và học sinh sẽ thể hiện sự chống đối quyết liệt hơn.

3. Phát huy thế mạnh của học sinh

Thay vì chăm chăm vào những khuyết điểm và vi phạm của học sinh, giáo viên nên cố gắng tìm hiểu để phát hiện những điểm mạnh của học trò của mình như năng khiếu thể thao, văn nghệ,.....tạo cơ hội và điều kiện để học sinh được thể hiện năng khiếu đó của mình.  Từ đó làm các em tự tin hơn trong việc hòa đồng với thầy cô và tập thể lớp, dần dần có sự hợp tác đối với các phương pháp dạy học tích cực của thầy cô.

4. Xây dựng tập thể lớp đoàn kết

Xây dựng tập thể lớp đoàn kết, thân thiện, đa số học sinh trong lớp phải hiểu và thực hiện nghiêm túc nội quy của cơ quan, không vi phạm những điều cấm đối với học sinh. Qua đó để học sinh chậm tiến thấy được những lỗi vi phạm của mình gây ảnh hưởng đến tập thể lớp như thế nào?
Khi các em mắc lỗi, hãy nhẹ nhàng phân tích những cái đúng cái sai trong nhận thức và hành động của học sinh. Tranh thủ những thời gian  thích hợp như những buổi học ngoại khóa, liên hoan của tập thể lớp để gần gủi và tâm sự với các em, thể hiện được niềm tin tưởng của mình vào học sinh để khích lệ được sự phấn đấu của các em. Tuy nhiên hãy vận dụng linh hoạt “lạt mềm buộc chặt”, “mềm nắn rắn buông”. Dù rất gần gũi với các em nhưng luôn phải giữ một khoảng cách nhất định của thầy trò.

Giáo viên không nên bắt học sinh viết quá nhiều bản kiểm điểm trong một tuần hoặc trong một tháng và yêu cầu học sinh có sự thay đổi nhanh chóng bởi đổi với học sinh, sự thay đổi theo hướng tích cực cần có một quá trình lâu dài. Thầy cô hãy nhẫn nại đứng sau theo dõi và kịp thời điều chỉnh sự thay đổi đó.

>>>XEM THÊM: 
Bí quyết giữ trật tự trong giờ dạy

Tác giả: Hồ Thị Xuân

Bạn sẽ không bỏ lỡ bất kỳ bài viết nào từ AZtest, hãy để lại email ngay bên dưới!

Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 2 phiếu bầu

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn