Bí quyết thành công của một Hiệu trưởng mầm non xuất sắc
1. Lấy trẻ làm trung tâm
Đối với sự nghiệp giáo dục, học sinh luôn là mục tiêu trọng tâm mà tất cả các giáo viên hướng tới. Điều này càng quan trọng hơn đối với cấp học mầm non, bởi đây là cấp học đầu đời có nhiệm vụ định hướng thái độ, tình cảm của trẻ.
Chính vì vậy sự phát triển của trẻ chính là thước đo thành công của một người Hiệu trưởng. Theo PGS.TS Đặng Thị Thanh Huyền, giảng viên cao cấp Học viện quản lý giáo dục cho biết: “Lấy trẻ làm trung tâm trong quản lý trường mầm non, coi sự phát triển về thể chất, xã hội, tình cảm, thẩm mỹ, trí tuệ, nhân cách của trẻ là mục tiêu của tất cả các hoạt động quản lý nhà trường. Sự phát triển của trẻ là cái đích mà mọi năng lực lãnh đạo và quản lý trường mầm non phải đạt được thông qua các hoạt động quản lý nhà trường một cách tự chủ hơn, trách nhiệm giải trình cao hơn.”
Cũng theo đó PGS đã đưa ra 3 điểm mới quan trọng trong việc lấy trẻ làm trung tâm xây dựng chuẩn Hiệu trưởng mầm non:
-
Thứ nhất, coi sự phát triển của trẻ là thước đo thành công của Hiệu trưởng. Chuẩn Hiệu trưởng trường mầm non mới không coi quản lý trẻ chỉ là một năng lực của Hiệu trưởng như trước đây, thay vào đó sự phát triển của trẻ mới chính là mục đích cần đạt được của mọi năng lực của Hiệu trưởng. Ở dự thảo Chuẩn Hiệu trưởng trường mầm non không có tiêu chí riêng về “Quản lý trẻ em của nhà trường” (Tiêu chí này hiện đang được sử dụng trong chuẩn Hiệu trưởng mầm non hiện hành, theo Thông tư số 12/2011/TT-BGDĐT ngày 14/4/2011 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo).
-
Thứ hai, chuyển từ “quản lý” sang “quản trị” nhà trường. Có nhiều ý kiến tranh luận về sử dụng thuật ngữ “quản lý” hay “quản trị”. Trên thực tế hai thuật ngữ này có cùng bản chất, tuy nhiên thuật ngữ “quản lý” thông thường được dùng trong quản lý Nhà nước, quản lý xã hội tầm vĩ mô, còn thuật ngữ “quản trị” thường dùng ở phạm vi nhỏ hơn đối với một tổ chức, một doanh nghiệp. Quản trị trường học là cách thức để những người/nhóm người có thẩm quyền (thường là hội đồng) hướng dẫn, giám sát các mục tiêu, giá trị của nhà trường thông qua các quy định, phương pháp và quy trình thực hiện.
-
Thứ ba, mục đích trọng tâm của chuẩn là “phát triển năng lực của Hiệu trưởng liên tục”. Chuẩn Hiệu trưởng trường mầm non không phải là văn bản liệt kê các nhiệm vụ của Hiệu trưởng được quy định ở các văn bản khác, mà là đưa ra các năng lực cốt lõi của Hiệu trưởng trường mầm non để thực hiện các nhiệm vụ trong điều kiện tự chủ và trách nhiệm giải trình ngày càng cao.
Việc quy định Chuẩn Hiệu trưởng không nhằm mục đích phân loại Hiệu trưởng nào giỏi hơn hay yếu hơn mà nhằm hỗ trợ Hiệu trưởng (và cả những người có nguyện vọng trở thành Hiệu trưởng) về năng lực, thái độ, tình cảm,...
2. Sáng tạo ra các hoạt động dạy học mới để phát triển nhận thức của trẻ
Trên cương vị của một vị Hiệu trưởng, cô giáo Nguyễn Thu Thùy, Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo mầm non B, Hà Nội luôn trăn trở làm thế nào để đổi mới mô hình dạy học, nâng cao chất lượng giáo dục. Bí quyết thành công của Thu Thùy chính là sáng tạo ra các hoạt động dạy học mới dựa trên cơ sở lấy trẻ làm trọng tâm từ đó giữ vững lòng tin yêu với trẻ cũng như với phụ huynh.
Trong hoạt động dạy học, cô Thùy đã hướng đội ngũ giáo viên tới việc phát triển tư duy cho trẻ. Cô Thùy cho biết: “Ở độ tuổi mầm non, thông qua hoạt động vui chơi trẻ sẽ phát triển ngôn ngữ, tư duy sáng tạo, tìm tòi, khám phá và kích thích trí tưởng tượng phong phú. Chính vì vậy, với vai trò quản lý giáo dục của mình, trong những năm qua tôi đã luôn áp dụng những phương pháp dạy học sáng tạo cũng như tăng cường việc trang bị các kỹ năng cho trẻ. Điều này đã hướng đội ngũ giáo viên của trường tập trung vào các nội dung giáo dục trẻ như: Đổi mới phương pháp giáo dục mầm non theo hướng tích hợp lấy trẻ làm trung tâm của hoạt động, khắc phục phương pháp dạy gò bó, áp đặt, không chú ý đến giáo dục cá thể. Bên cạnh đó, giáo viên của trường được tiếp cận với mô hình giáo dục tiên tiến, hiện đại. Các chương trình giáo dục của trường đã khuyến khích sự phát triển tư duy, sáng tạo của trẻ, giúp trẻ tiếp cận với đồ chơi kỹ thuật và công nghệ mới phù hợp thông qua chương trình vui học Edu-play, Kidsmart, Happykids, bảng thông minh…”
Cô Thùy còn đưa ra những chương trình dạy học sáng tạo để kích thích trí tuệ, nhận thức cho trẻ như “Bé cùng làm nội trợ”, “Cô dạy bé gói bánh chưng ngày Tết”, “Bé thu hoạch rau xanh”, “Bé cùng bảo vệ môi trường”... Thông qua các hoạt động này, bên cạnh việc khơi dậy các chỉ số cảm xúc và khả năng sáng tạo của bé còn thu hút sự tham gia nhiệt tình của cha mẹ học sinh, để lại những ấn tượng tốt.
Cũng chính những táo bạo trong đổi mới sáng tạo giáo dục và những kết quả tốt đẹp đạt được, cô Nguyễn Thu Thùy đã có được lòng tin yêu không chỉ của đồng nghiệp mà còn cả sự yêu thương của học sinh và niềm tin của phụ huynh.
Với những cống hiến không ngừng nghỉ của mình năm học 2015 - 2016, nhà giáo Nguyễn Thu Thùy đã được UBND thành phố Hà Nội tặng Bằng khen về thành tích xuất sắc trong thực hiện cuộc vận động “Xây dựng nhà trường Văn hóa - Nhà giáo mẫu mực - Học sinh thanh lịch” giai đoạn 2005 - 2015; Ban chấp hành Công đoàn ngành Giáo dục Việt Nam tặng Bằng khen về thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua “Dạy tốt - học tốt” năm học 2015 - 2016”. Cùng với đó năm học 2016 - 2017 Trường Mầm non B Hà Nội được Sở GD&ĐT Hà Nội kiểm định chất lượng giáo dục đạt danh Hiệu trưởng đạt chuẩn quốc gia và trường mầm non chất lượng cao của thành phố Hà Nội.
3. Hãy là người tiên phong trong tất cả các hoạt động bởi “biết - hiểu” mới làm “đúng và trúng”
Bên cạnh những bí quyết như lấy trẻ làm trung tâm hay sáng tạo ra những hoạt động dạy học mới mẻ thì trở thành người tiên phong trong việc giải quyết những khó khăn, người đi đầu trong các hoạt động, chủ trương, kế hoạch cũng là một cách để bạn đến gần với thành công hơn trong công việc quản lý của mình.
Bí quyết thành công này đã được minh chứng bởi tấm gương của cô giáo Nguyễn Thị Hồng Minh - Hiệu trưởng Trường Mầm non Tô Hiệu (Thị trấn Hát Lót, Mai Sơn, Sơn La).
Đi lên từ những khó khăn trong những ngày đầu chập chững với nghề “nuôi dạy hổ”, cô Minh đã từng bước khẳng định được chuyên môn, nghiệp vụ của mình. Năm 2008 cô Hồng Minh được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng của Trường Mầm non Tô Hiệu, đối mặt với những khó khăn nhưng không hề nản chí, cô quan niệm bấy nhiêu khó khăn là bấy nhiêu thuận lợi để bản thân thể hiện được năng lực và bản lĩnh của mình.
Việc đầu tiên mà cô bắt tay vào làm đó là: Ổn định đội ngũ cán bộ, giáo viên, lấy đội ngũ Đảng viên làm nòng cốt, sắp xếp, giao nhiệm vụ phù hợp với năng lực, sở trường; tích cực đổi mới phương pháp giáo dục. Cô luôn lấy tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh để làm gương cho cán bộ, giáo viên, nhân viên học tập và làm theo.
Cô Minh luôn là người tiên phong trong tất cả các hoạt động, chủ trương, kế hoạch. Chính vì vậy mà khi đến trường, mọi người không quá ngạc nhiên khi thấy cô xuất hiện ở mọi lúc, mọi nơi. Cô cho trẻ ăn, ru trẻ ngủ, cô đứng lớp thay cô giáo nghỉ ốm, thậm chí rửa bát, nhặt rau cùng nhân viên phục vụ, tham gia múa hát, biểu diễn cùng đội văn nghệ…
“Khi nhà trường phát động phong trào xây dựng môi trường xanh - sạch - đẹp, bản thân tôi cũng là người trực tiếp tham gia trồng hoa, cây cảnh cùng mọi người hay như: nếu nhìn thấy rác trên sân trường, tôi cũng nhặt bỏ vào thùng không cần phải gọi chị lao công đến thu dọn, Mình làm mình mới biết, mới hiểu nhân viên, có như vậy khi điều hành mới đúng và trúng” - cô Minh chia sẻ.
Bằng sự nhiệt tình, năng nổ trong công tác lãnh đạo, điều hành, cô Minh đã góp phần làm nên thương hiệu của Trường Mầm non Tô Hiệu. Như vậy, không chỉ Hiệu trưởng ở các thành phố lớn mới có những đổi mới để nâng cao chất lượng dạy học mà ở những vùng rẻo cao cũng đang nuôi dưỡng những người “đầu tàu” nhiệt tâm, cống hiến hết mình cho nghề.
Bản thân cô 7 năm liên tục được công nhận danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp cơ sở; năm học 2013 – 2014 cô được công nhận danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp tỉnh; 2 lần được UBND tỉnh Sơn La tặng Bằng khen; 1 lần được Bộ GD&ĐT tặng Bằng khen, cùng nhiều bằng khen, giấy khen của các cấp. Thành tích của cá nhân cô đã hoà vào thành tích chung của nhà trường để “kết hoa” tạo thành “trái ngọt” đó là: Tháng 5/2013, Trường Mầm non Tô Hiệu đã được UBND tỉnh Sơn La quyết định công nhận trường mầm non đạt chuẩn Quốc gia mức độ I và được Sở GD&ĐT công nhận đạt chuẩn chất lượng giáo dục cấp độ 3, giai đoạn 2016 - 2021.
Hy vọng với bài viết trên đây sẽ là động lực cho những người “đầu tàu” học hỏi, trau dồi và phát triển hơn nữa trong sự nghiệp quản lý, lãnh đạo của mình.
>>> Xem thêm: 4 “mẹo” hay kiểm tra mức độ hiểu bài của học sinh ngay sau tiết học
--------------------------------------------------------------------------------------
AZtest là hệ thống tạo lập website thi trắc nghiệm trực tuyến do CÔNG TY TNHH PHÁT TRIỂN VÀ DỊCH VỤ NGUỒN MỞ THUẬN ĐỨC phát triển. Với AZtest, người dùng có thể dễ dàng sở hữu một website tổ chức ôn tập, thi trắc nghiệm trực tuyến hoàn toàn miễn phí, độc lập, được cá nhân hóa theo yêu cầu của người quản trị.
Liên hệ 02336.270.610 - 0905.908.430 (hotline 24/7) hoặc Fanpage https://fb.me/aztest.vn để được tư vấn trực tiếp bởi đội ngũ kỹ thuật viên của AZtest.
Nguồn tin: Tổng hợp
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn