Một số nhận xét, đánh giá về đề thi minh họa cho kỳ thi quốc gia năm 2018

Chủ nhật - 04/02/2018 21:10
Như đã thông báo, cuối tháng 1 vừa qua Bộ Giáo Dục và Đào Tạo đã giới thiệu đề thi tham khảo cho kỳ thi trung học phổ thông Quốc gia năm 2018 để giáo viên và học sinh có thể tham khảo, làm quen với định dạng của các đề thi.

Nhận xét về đề tham khảo THPT quốc gia 2018, nhiều giáo viên cho rằng: Môn Toán, Lý, Hóa kiến thức trong đề đã bao phủ chương trình lớp 11 và lớp 12. Với môn Toán, các câu hỏi thuộc phần kiến thức lớp 11 xuất hiện với tần suất ít hơn (chiếm khoảng 20% tổng số câu). Đề minh họa có sự sắp xếp từ dễ đến khó theo ma trận kiến thức, bám sát định hướng đánh giá năng lực người học và phù hợp với tinh thần đổi mới hoạt động dạy và học hiện nay. 

Nhiều ý kiến cho rằng điểm tích cực lớn nhất của bộ đề thi năm nay là tính phân hóa cao với sự phân bố câu hỏi theo trình tự từ dễ đến khó. Theo đó, học sinh phải thực sự nắm vững kiến thức, có khả năng tư duy cao mới có thể đạt được điểm tối đa. Với ưu điểm này, nhiều khả năng là kỳ thi năm nay sẽ khắc phục được tình trạng “mưa điểm 10” như năm vừa qua.  

Cụ thể,  đề thi này được đánh giá là khó và rộng hơn so với đề thi của năm 2017. Với đề thi này, để học sinh có lực học trung bình đạt được điểm 5, 6 cần phải nắm chắc kiến thức. Còn đối với học sinh khá, giỏi cần phải nắm được bản chất của các vấn đề kiến thức, cùng với đó là phải biết phân tích, tổng hợp và vận dụng kiến thức vào thực tiễn thì mới có thể đạt được điểm tối đa.

Tuy nhiên, ở bộ đề thi này cũng có những điểm cần phải xem xét lại, đặc biệt là cho một kỳ thi lớn là kỳ thi trung học phổ thông Quốc gia. Cụ thể, trong bộ đề thi đã có những câu hỏi rất khó, mang tính chất đánh đố thí sinh mà nếu chỉ với những kỹ năng, kinh nghiệm và cách làm bài thông thường ở các học sinh hiện nay thì khó có thể giải quyết được, nhất là đây lại là những câu hỏi theo hình thức trắc nghiệm khách quan đòi hỏi thí sinh phải giải nhanh. Vấn đề cũng xảy ra tương tự đối với một số câu hỏi ở đề thi môn thành phần Lịch sử và Địa lý. Như thế, đây là những câu hỏi của một đề thi nhưng nội dung yêu cầu của đề bài là gì thì đã không được xác định. Bởi lẽ, đã là một đề thi thì phải có sự cụ thể nhằm xác định các yêu cầu cho các câu hỏi, đây là một vấn đề khoa học để phân biệt một đề thi với các yêu cầu khác, để từ đó không gây ra sự lúng túng cho các thí sinh.

Như vậy, nếu nhìn toàn diện thì bộ đề thi này đã có những ưu điểm với tính phân hóa cao, cùng với đó là đòi hỏi kiến thức toàn diện của thí sinh. Tuy nhiên, với những bất cập này của đề thi thì cần thiết Ban ra đề phải có sự xem xét lại khi ra đề thi chính thức, tránh gây thiệt thòi cho các học sinh.

Thiết nghĩ, đã là đề thi thử nghiệm cho học sinh trước một kỳ thi lớn thì đề thi phải đạt độ chuẩn hóa cao, đặc biệt là về mặt khoa học. Song bộ đề thi lần này của Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn chưa đạt được những yêu cầu này. Do đó, mong rằng với đề thi chính thức sau này, Ban ra đề sẽ khắc phục được những hạn chế và khiếm khuyết, để xứng đáng là những đề thi cho một kỳ thi trung học phổ thông ở tầm quốc gia.         

Tác giả: Hồ Thị Xuân

Nguồn tin: giaoduc.net.vn

Bạn sẽ không bỏ lỡ bất kỳ bài viết nào từ AZtest, hãy để lại email ngay bên dưới!

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn