Giáo dục trí tuệ cảm xúc trong giờ dạy học văn như thế nào?
Chính vì vậy, trong giờ dạy học văn ở trường THPT, giáo viên có thể vận dụng các phương pháp dạy học tích cực để góp phần nâng cao trí tuệ cảm xúc - EQ cho các em.
Từ thực tế giảng dạy, cô giáo Phạm Phương Hoài, GV Trường THPT Đồng Lộc (Hà Tĩnh) đưa ra một số phương pháp hỗ trợ hiệu quả cho việc giáo dục cảm xúc trong giờ dạy học văn:
Ghi nhật ký văn học
Để phát triển EQ, điều đầu tiên là học sinh cần hiểu rõ cảm xúc bản thân, gọi tên được nó. Nếu bỏ qua cảm giác của mình, các em sẽ bỏ qua những thông tin quan trọng có ảnh hưởng lớn tới cách tư duy và hành vi. Ghi nhật ký văn học là phương pháp hữu hiệu giúp các em hiểu rõ bản thân hơn.
Nhật kí văn học nhằm ghi lại những suy nghĩ của học sinh về một tác giả, tác phẩm hay một hiện tượng, sự kiện văn học một cách có ý thức, có hệ thống với những suy nghĩ, trải nghiệm của mình. Trong nhật kí văn học, học sinh có thể ghi những lời tâm tình với nhân vật nào đó trong tác phẩm mà các em yêu thích hay tạo nhiều ấn tượng nhất, cũng có thể bày tỏ với tác giả hoặc bè bạn những ý kiến, những bức xúc, thắc mắc của mình về tác phẩm.
Điều quan trọng là qua nhật kí văn học, học sinh được đối thoại với chính mình. Những tâm tư, những suy nghĩ của các em trong nhật kí văn học biểu hiện sự nhận thức, khả năng, ý thức tư duy của bản thân chủ thể người đọc.
Với những gì đã trải nghiệm và ghi lại trong nhật kí, trong quá trình giáo viên hướng dẫn phân tích tác phẩm, học sinh sẽ tiếp thu bài nhanh hơn nhờ khả năng so sánh những ý kiến, lí giải của giáo viên, của các học sinh khác trong lớp với những suy nghĩ của mình.
Điều đó cũng góp phần hình thành một bối cảnh thích hợp, thôi thúc học sinh có mong muốn trình bày ý kiến, phát biểu cảm nhận chủ quan của bản thân với tư cách là một người đọc tích cực, một người đọc có khát vọng giao tiếp, đối thoại không chỉ với những người đọc “đồng cấp” (bạn bè trong lớp) mà còn với người có văn hoá đọc cao nhất trong lớp lúc đó là giáo viên.
Nhật ký văn học cũng có thể ghi sau khi học xong tác phẩm. Khi đó học sinh đối chiếu những điều đã được phân tích trên lớp với những điều mình đã ghi để tiếp tục chiêm nghiệm, hiểu vấn đề sâu sắc, toàn diện hơn, không chỉ làm giàu vốn kiến thức của mình mà còn làm phong phú thêm nội dung, ý nghĩa tác phẩm, không chỉ biết tự điều chỉnh những cảm nhận chưa chính xác hay còn hời hợt mà từ đó còn hình thành thói quen tư duy mới hướng đến sự tiếp nhận năng động, sáng tạo, khám phá, phát hiện…
Đóng vai nhân vật, tác giả
Đây là phương pháp giảng dạy nhằm giúp học sinh suy nghĩ sâu sắc về một vấn đề bằng cách đứng từ chỗ đứng, góc nhìn của người trong cuộc, tập trung vào một sự kiện cụ thể mà các em quan sát được từ vai của mình.
Học sinh đóng vai tác giả hoặc nhân vật để cùng trải nghiệm, cùng chia sẻ với nhà văn và con người trong tác phẩm về những suy nghĩ, những cách ứng xử trong cuộc sống. Từ đó, học sinh thấu hiểu tác giả hoặc nhân vật, sẽ bộc lộ được cảm xúc của bản thân. Như vậy, đây là phương pháp hiệu quả rèn luyện cho các em khả năng hiểu rõ đối tượng trong giao tiếp.
Khi đóng vai tác giả, học sinh trao đổi, tranh luận với bạn đọc (các học sinh khác) về những sự kiện, tình huống được xây dựng trong tác phẩm hoặc được bộc lộ thái độ tình cảm đối với nhân vật, phát biểu quan điểm của mình (trong vai trò tác giả) trước các hiện tượng đời sống được miêu tả. Đóng vai tác giả là một trong những biện pháp đối thoại giúp học sinh gần gũi và cảm nhận quan điểm của tác giả một cách đồng cảm, bình đẳng hơn; học sinh vừa nghe được tiếng nói của tác giả, vừa đối thoại với tác giả bằng nhận thức của mình.
Đặt mình vào vai trò tác giả, học sinh sẽ trình bày, và sau đó, trao đổi, tranh luận với bạn đọc (các học sinh khác) về ý đồ sáng tác, về kết cấu và những sự kiện, tình huống, nhân vật trong tác phẩm, về quan điểm của mình trước hiện thực được miêu tả, phản ánh trong tác phẩm… Trong vai trò tác giả, học sinh có thể biểu lộ tiếng nói đồng tình, thuyết minh cho tác giả khi đối thoại với bạn đọc.
Còn khi đóng vai nhân vật, học sinh hoá thân thành nhân vật với những cảm xúc muôn màu trong văn bản. Các em sẽ làm sống dậy, hữu hình hoá những cảm xúc, tình cảm, hành động mà trước đó chỉ hiện hữu trên trang viết của tác giả. Sự nhập cảm sẽ giúp các em thấu hiểu sâu sắc về nhân vật, về những suy nghĩ, cảm xúc, hành động, sự lựa chọn của nhân vật,…
Đồng thời, quá trình đóng vai sẽ rèn luyện cho các em khả năng thấu hiểu, chia sẻ với người khác; khả năng nhìn sự việc dưới góc độ của người khác. Đó chính là một yếu tố quan trọng trong trí tuệ cảm xúc – sự cảm thông với người khác.
Tạo tình huống có vấn đề
Tình huống có vấn đề là tình huống trong đó chủ thể nhận thức có trạng thái tâm lý đặc biệt: cảm thấy có cái “khó” trong nhận thức hay nói cách khác có mâu thuẫn nhận thức giữa cái đã biết và cái chưa biết đồng thời có mong muốn giải quyết mâu thuẫn bằng cách huy động những cái đã biết tạo ra phương thức hành động mới để đạt được hiểu biết mới.
Dạy học dựa trên việc tạo tình huống có vấn đề (dạy học nêu vấn đề, dạy học nhận biết và giải quyết vấn đề) là quan điểm dạy học nhằm phát triển năng lực tư duy, khả năng nhận biết và giải quyết vấn đề.
Để phát triển EQ cho học sinh, giáo viên cần tổ chức bài học gắn với các tình huống thực tiễn, từ đó góp phần giúp các em nhận thức, rút ra bài học cho bản thân mình. Đó chính là rèn luyện khả năng kiểm soát bản thân (cảm xúc, hành động), điều chỉnh hành vi- một trong 5 yếu tố quan trọng của trí tuệ cảm xúc.
Trong giờ dạy học văn với mục tiêu giáo dục trí tuệ cảm xúc, tối ưu nhất là giáo viên tạo các tình huống lựa chọn, tình huống nhân quả, tình huống giả định,… Qua việc giải quyết tình huống, học sinh sẽ bộc lộ được quan điểm cá nhân, có sự lí giải cho việc chọn lựa của mình.
Chẳng hạn, khi dạy bài “Chiếc thuyền ngoài xa”, giáo viên có thể đưa ra tình huống giả định: “Cuộc sống của gia đình hàng chài sẽ ra sao nếu người đàn bà hàng chài bỏ chồng? Em sẽ có cách nhìn khác về người đàn bà trong trường hợp đó không?” Việc giải quyết tình huống, HS sẽ thấy được vẻ đẹp tâm hồn người đàn bà hàng chài, từ đó hướng HS đến lối sống vị tha, bao dung, cách nhìn cuộc sống đa chiều…
Trên đây là một vài gợi ý nhỏ nhằm phát triển trí tuệ cảm xúc- EQ, cho học sinh trong giờ học Văn với mong muốn các em có thể hiểu rõ bản thân; kiểm soát bản thân; biết cảm thông chia sẻ, từ đó luôn giữ được sự cân bằng trong cảm xúc - một chìa khoá của thành công trong tương lai.
Hy vọng với những chia sẻ của AZtest trên đây đã giúp quý thầy cô có được những phương pháp hay để giáo dục trí tuệ cảm xúc cho học sinh trong những giờ học văn.
>>>Xem thêm: Cách tạo đề thi trắc nghiệm Ngữ văn lớp 11
ĐỪNG QUÊN ĐỂ LẠI EMAIL CUỐI BÀI ĐỂ NHẬN THÊM NHỮNG THÔNG TIN HẤP DẪN CỦA AZTEST
---------------------------------------------------------------------------------------------------------
AZtest là hệ thống tạo lập website thi trắc nghiệm trực tuyến do CÔNG TY CỔ PHẦN TDFOSS phát triển. Với AZtest, người dùng có thể dễ dàng sở hữu một website tổ chức ôn tập, thi trắc nghiệm trực tuyến hoàn toàn miễn phí, độc lập, được cá nhân hóa theo yêu cầu của người quản trị.
Liên hệ hotline 0987.893.519 hoặc Fanpage https://m.me/aztest.vn để được tư vấn trực tiếp bởi đội ngũ kỹ thuật viên của AZtest.
Phạm Phương Hoài
Nguồn tin: Báo Giáo dục và thời đại
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn