Bí quyết để có những giờ dạy Địa lý hấp dẫn - Phần 1

Thứ ba - 22/01/2019 02:50
Địa lý là môn có dung lượng kiến thức khá dài và khô khan, vì vậy một bộ phận không nhỏ học sinh (HS) cảm thấy nhàm chán, không thích thú dẫn đến chất lượng môn học không cao. Vậy hãy cùng tìm hiểu những phương pháp dạy Địa lý thú vị được AZtest tổng hợp dưới đây để áp dụng vào giờ dạy của mình.
Bí quyết để có những giờ dạy Địa lý hấp dẫn
Bí quyết để có những giờ dạy Địa lý hấp dẫn
   

1. Thổi hồn thơ vào bài giảng

“Muốn hấp dẫn được học sinh trong giờ lên lớp, người thầy phải mang tới cho các em một nguồn năng lượng tươi mới. Bởi vậy việc tích lũy kiến thức trên nhiều lĩnh vực kết hợp với sự sáng tạo mới thực sự thổi hồn vào những bài giảng cho học trò. Từ đó, các em yêu thích, hiểu môn học, hiểu về thế giới xung quanh để chung sống hòa bình và sống một cách hiệu quả hơn”. Đó là chia sẻ của thầy giáo Nguyễn Chí Tuấn, giáo viên Trường THCS - THPT Đinh Thiện Lý, Quận 7, TPHCM.
 

day hoc dia ly 2
Thầy giáo Nguyễn Chí Tuấn

Trong giảng dạy, để giúp HS phát triển năng lực hiệu quả, thầy Tuấn luôn chịu khó áp dụng các phương pháp dạy học tích cực như: làm việc nhóm giúp học sinh phát triển kỹ năng hợp tác; thảo luận nhằm giúp học sinh phát triển năng lực ngôn ngữ. Thầy cũng luôn gây hứng thú cho học sinh thông qua trò chơi kiến thức từ đơn giản như trả lời nhanh, đoán từ, ghép nối, ô chữ... đến các trò chơi phức tạp hơn như, đuổi hình bắt chữ, bingo (vận dụng óc tưởng tượng, sáng tạo)... Thông qua quá trình tham gia trò chơi, HS đều thấy nhẹ nhàng và được khắc sâu về kiến thức. Đặc biệt, các trò chơi này đã được thầy trò áp dụng ôn luyện trong kỳ thi THPT quốc gia. Kết quả môn thi Địa lý của HS khá tốt, 2 năm liền các em đều được xếp ở tốp đầu thành phố.

day hoc dia ly 4
Một tiết dạy của Thầy giáo Nguyễn Chí Tuấn

Đặc biệt với phương pháp sử dụng thơ vào bài giảng Địa lý, thầy Tuấn đã áp dụng rất thành công và đạt được nhiều thành công đáng kể. Cụ thể thầy Tuấn chia sẻ: Để giờ học thêm cuốn hút sôi nổi, thầy thường vận dụng kiến thức các môn học khác vào bài giảng:

  • “Khi dạy về phần địa hình tôi đọc cho học sinh nghe những đoạn thơ trong phần mở đầu của bài thơ Bên kia sông Đuống (Hoàng Cầm) để rồi cùng học sinh phân tích những giá trị của đồng bằng; Hoặc tôi đọc những đoạn dẫn chứng trong Người lái đò sông Đà (Nguyễn Tuân) để làm rõ những nét đặc sắc địa hình vùng Tây Bắc cũng như giá trị kinh tế nổi bật của vùng núi.

  • Tôi cũng hát cho HS nghe bài “Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây” (Hoàng Hiệp, thơ Phạm Tiến Duật) để nhằm làm sáng tỏ những kiến thức liên quan đến khí hậu Việt Nam. Hay có lần tôi hóa thân vào làm MC Dự báo thời tiết nhằm giảng về sự di chuyển của một cơn bão... Trong những tiết học đó, tôi cảm nhận được sự háo hức, cùng những ánh mắt chăm chú khi nghe giảng và tương tác cùng thầy. Tôi nhận thấy việc lựa chọn cách dạy của mình đã đi đúng hướng để học trò của tôi ngày càng yêu môn học hơn”.

  • Thầy Tuấn còn cho biết để xử lí các đoạn thông tin kiến thức khó nhớ về việc nhận dạng môi trường địa lý, thầy đã viết thành những đoạn thơ ngắn để nhằm giúp các em dễ nhớ và nhớ được lâu các kiến thức. Chẳng hạn: Môi trường hoang mạc: “Châu Phi nhiều hoang mạc/Nắng nóng và hiếm mưa/Một vùng mênh mông cát/Xương rồng – loài cây vua”. Hay môi trường cận nhiệt đới ẩm và cận nhiệt đới gió mùa: “Cận nhiệt ẩm gió mùa/Nghe quen quen thế nhỉ?/Hè nóng và đông ấm/Tuyết rơi cũng hiếm khi/Mưa nhiều vào mùa hạ/ Em nhớ liền, khó chi.”

Thầy Tuấn chia sẻ mình cũng rất thích tham gia đóng kịch cùng học trò và trở thành trọng tài phân xử những tranh luận của các em; hóa thân thành người cha, người mẹ lắng nghe tâm sự của học sinh nhằm tìm ra hướng đi đúng nhất.

Nhờ vào những phương pháp dạy học Địa lý thú vị, hấp dẫn của mình mà trong những năm gần đây, thầy tham gia công tác ôn thi HSG và hướng dẫn học sinh nghiên cứu khoa học. Các đề tài NCKH mà thầy hướng dẫn học sinh đều gắn liền với thực tiễn xã hội tại TP HCM và được giải thưởng cấp thành phố.
Năm năm liên tục, thầy giáo Nguyễn Chí Tuấn đều tham gia viết sáng kiến kinh nghiệm và cũng chừng ấy năm là chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, được nhận bằng khen của thành phố. Sáng kiến gần đây nhất vào tháng 3/2018 là “Nâng cao hiệu quả ôn tập THPT quốc gia bằng hình thức thi đố vui” thông qua chính việc đúc kết các kinh nghiệm và thực tiễn ôn tập trong năm học trước và giải khuyến khích cuộc thi Giáo viên Sáng tạo TP.HCM (mảng bài giảng E-learning).

2. Dạy Địa lý bằng bài hát, tục ngữ, ca dao

Sử dụng hợp lý thơ ca, ca dao, tục ngữ vào trong bài học Địa lý là một cách làm đa dạng hóa các phương pháp dạy học, tránh hiện tượng HS bị nhàm chán với cách thức tổ chức lớp học; góp phần đa dạng hóa các kênh thông tin, làm bài học trở nên gần gũi hơn với cuộc sống, HS cũng nắm bắt nhanh hơn, hiểu sâu hơn, dễ học thuộc bài.
Là một giáo viên trẻ, yêu nghề, cô Nguyễn Thị Trang – giáo viên Trường THPT B Hải Hậu, Nam Định – đã khiến giờ học Địa lý trở nên hấp dẫn, sinh động với kho tàng ca dao, tục ngữ, những bài hát, câu thơ gần gũi, quen thuộc.

 

day hoc dia ly 5
Cô giáo Nguyễn Thị Trang

Cô Nguyễn Thị Trang chia sẻ, bản thân của ca dao, tục ngữ có đặc điểm là câu nói ngắn, có ý nghĩa, có vần điệu nên khi nghe HS dễ nhớ. Khi giáo viên (GV) lồng ghép, liên kết với kiến thức địa lý thì trong quá trình tư duy học sinh sẽ có sự gắn kết các kiến thức với ngôn ngữ ca dao, tục ngữ, như vậy sẽ vừa dễ hiểu, dễ nhớ, tăng thêm phần thuyết phục cho bài học. Tùy từng bài, từng phần nội dung bài học, giáo viên sử dụng những câu ca dao, tục ngữ có liên quan.
Tuy nhiên, việc sử dụng thơ ca, ca dao, tục ngữ vào bài học địa lý yêu cầu GV phải nắm vững các nguyên tắc sư phạm, nắm vững lý luận dạy học; đảm bảo tính vừa sức của HS.
“Phương pháp dạy học hiện đại với xu thế lấy HS làm trung tâm là phương pháp HS chủ động chiếm lĩnh tri thức. Ca dao, tục ngữ là một kho tàng kiến thức của nhân loại, được đúc kết và truyền miệng qua nhiều thế hệ. Vì vậy, việc sử dụng ca dao, tục ngữ vào trong dạy học địa lý là một phương pháp dạy học cụ thể chứ không đơn giản chỉ là một ví dụ minh họa cho bài học. Vậy trong quá trình dạy học, ta phải biết cách dùng các câu thơ ca, ca dao, tục ngữ một cách linh động, hiệu quả. Vì vậy, phải để học sinh tự phân tích các câu ca dao, tục ngữ để tìm lấy tri thức. Đây là phương pháp dạy học nhanh và hiệu quả, đồng thời tạo cho học sinh hứng thú hăng say học tập và ngày càng thích thú hơn bộ môn” – cô Nguyễn Thị Trang cho hay.

Lưu ý để không sa đà, làm mất đi tính đặc thù của bộ môn:

  • Đối với giáo viên: Trong khi soạn bài phải cân nhắc thật kỹ những nội dung cần đưa vào bài giảng, phải khéo léo lồng ghép để làm rõ được nội dung mà mình muốn cho học sinh đạt được
    Bên cạnh đó, phải hệ thống câu hỏi rõ ràng, rành mạch; chịu khó sưu tầm những câu văn, câu thơ, tục ngữ, ca dao liên quan đến bài dạy; đảm bảo tính chính xác của những nội dung mình cần đưa vào bài dạy.
    Sử dụng triệt để đồ dùng dạy học, kết hợp giữa văn học với các đồ dùng trực quan để hình thành cho các em khái niệm mang tính trực quan cao. Giáo viên phải làm tốt công tác tổ chức giờ học, quán xuyến học sinh, không sa đà vào nội dung văn học.

  • Đối với học sinh: Phải tích cực tham gia xây dựng bài, chú ý lắng nghe thầy cô giáo giảng bài; tăng cường việc tự học, tự nghiên cứu, tìm tòi khám phá môn học; chịu khó sưu tầm ca dao tục ngữ nói về thiên nhiên, đất nước con người Việt Nam.
day hoc dia ly 3
Học sinh Trường THPT B Hải Hậu, Nam Định trong giờ học nhóm môn Địa lý
Cô Nguyễn Thị Trang cho rằng, yêu cầu với phần giới thiệu bài cần ngắn gọn, súc tích, khái quát cao và gợi mở sự hứng thú của HS. Chính vì vậy việc sử dụng thơ ca, ca dao, tục ngữ trong giới thiệu bài có tác dụng rất lớn đối với định hướng nhận thức HS.

Ví dụ:

  • Để vào bài 1 “Vị trí địa lí, phạm vi lãnh thổ”, GV có thể mở bài bằng 2 câu thơ của nhà thơ Tố Hữu: “Đầu trời ngất đỉnh Hà Giang/ Cà Mau, mũi đất mỡ màng phù sa”; sau đó đặt câu hỏi: Em nào biết, những địa danh Hà Giang, Cà Mau cho chúng ta biết điều gì?

  • Khi dạy bài 37: “Vấn đề khai thác thế mạnh ở Tây Nguyên”, GV có thể giới thiệu Tây Nguyên bằng những lời thơ của Tế Hanh: “Bác Hồ ơi Tây Nguyên giàu đẹp/ Kon Tum, Pleiku, Đắc Lắc, Lâm Đồng/ Màu đất đỏ như tấm lòng son sắt”; sau đó đặt câu hỏi: Vậy sự giàu đẹp và các thế mạnh trong phát triển kinh tế Tây Nguyên như thế nào? Để trả lời cho câu hỏi trên chúng ta sẽ cùng tìm hiểu bài hôm nay.’

Ví dụ thực tế của cô Nguyễn Thị Trang:

Cô Nguyễn Thị Trang lấy ví dụ bài 8 “Thiên nhiên chịu ảnh hưởng sâu sắc của biển” với nội dung hoạt động: Đánh giá ảnh hưởng của biển Đông đến thiên nhiên Việt Nam. Phương pháp được sử dụng đàm thoại gợi mở, phát vấn, thảo luận nhóm. Cụ thể, với nội dung này:

Bước 1: GV chia nhóm và giao nhiệm vụ cho các nhóm:

  • Nhóm 1: Đọc SGK mục 2, kết hợp hiểu biết của bản thân hãy: Nêu tác động của biển Đông tới khí hậu nước ta; giải thích tại sao nước ta lại mưa nhiều hơn các nước khác cùng vĩ độ? Câu ca dao sau nói lên tác động gì của biển Đông tới khí hậu nước ta: “Mây kéo xuống biển thì nắng chang chang/ Mây kéo lên ngàn, thì mưa như trút”?

  • Nhóm 2: Dựa vào Atlat địa lý trang 6,7 hãy: Kể tên các dạng địa hình ven biển nước ta? Xác định trên bản đồ Tự nhiên Việt Nam vị trí các vịnh biển: Hạ Long (Quảng Ninh), Xuân Đài (Phú Yên), Vân Phong (Khánh Hoà), Cam Ranh (Khánh Hòa)? Kể tên các điểm du lịch, nghỉ mát nổi tiếng của vùng biển nước ta: “Nước sông Gianh vừa trong vừa mát/ Truông Quảng Bình nhỏ cát dễ đi.”

  • Nhóm 3: Dựa vào hiểu biết của bản thân và quan sát bản đồ trả lời các câu hỏi: Đoạn thơ sau đây nói lên ảnh hưởng nào của biển Đông tới nước ta: “Tổ quốc tôi ba nghìn cây số biển/ Móng Cái – Cà Mau hình chiếc lưỡi câu/ Câu những túi vàng đen mỏ dầu trong lòng đất” (Tổ quốc tôi ba nghìn cây số biển – Nguyễn Trọng Phú)?
    Chứng minh Biển Đông giàu tài nguyên khoáng sản và hải sản? Tại sao vùng ven biển Nam Trung Bộ rất thuận lợi cho hoạt động làm muối? (Do có nhiệt độ cao, sóng gió, nhiều nắng, ít mưa, lại chỉ có một vài con sông đổ ra biển).

  • Nhóm 4: Dựa vào hiểu biết của bản thân và quan sát Atlat trả lời: Biển Đông ảnh hưởng như thế nào đối với cảnh quan thiên nhiên nước ta? Rừng ngập mặn ven biển ở nước ta phát triển mạnh nhất ở đâu? Tại sao rừng ngập mặn lại bị thu hẹp?

Bước 2: Sau khi các nhóm tiến hành thảo luận, đại diện từng nhóm trình bày; các nhóm khác bổ sung ý kiến.
Bước 3: GV yêu cầu HS đọc câu ca dao sau và cho biết câu ca dao đó nói về ảnh hưởng nào của biển Đông tới nước ta: “Những người đi biển làm nghề/ Thấy dòng nước nóng thì về đừng đi/ Sóng lừng, bụng biển ầm ì /Bão mưa ta tránh chớ hề ra khơi”.
HS trả lời, HS khác nhận xét, bổ sung. GV nhận xét phần trình bày của HS và kết luận các ý đúng của mỗi nhóm và đưa ra kết luận chung.
Các hình thức ra đề cô Nguyễn Thị Trang chia sẻ:

Đưa ra các bài thơ ca, ca dao, tục ngữ và yêu cầu giải thích. Ví dụ: “Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây/ Bên nắng đốt, bên mưa quây”. Dựa vào kiến thức đã học, hãy giải thích câu thơ trên?

Đưa ra các bài thơ ca, ca dao, tục ngữ và cho biết đặc điểm nào của địa lý Việt Nam được thể hiện, ví dụ: Câu tục ngữ sau nói về đặc điểm nào của gió mùa mùa đông: “Tháng giêng rét đài/ Tháng hai rét lộc/ Tháng ba rét nàng Bân”?...
Ngoài việc sử dụng thơ, ca dao, tục ngữ vào các hoạt động trên, cô Nguyễn Thị Trang cũng áp dụng phương pháp này khi giảng dạy và tìm hiểu về địa lý địa phương tỉnh Nam Định. Với cách làm này, HS tích cực, chủ động trong tìm tòi các bài thơ ca, ca dao, tục ngữ gắn với kiến thức bài học. Giáo viên chuyển từ vai trò chính trong giảng dạy sang người hướng dẫn, gợi mở và tư vấn, hỗ trợ học sinh.

Cô Trang cho biết đã tổng hợp kiến thức bài học với các bài thơ, ca dao, tục ngữ thành một cuốn sổ tay Địa lý: “Địa lí trong thơ ca, ca dao, tục ngữ”, phục vụ rất hiệu quả trong quá trình giảng dạy.

“Nghề giáo có phải là nghề nhàm chán không? Xin thưa là không. Thậm chí nghề giáo còn là nghề sáng tạo nhất trong các nghề bởi mỗi ngày lên lớp, người thầy phải luôn đổi mới bản thân, mang vào “lửa” trong bài giảng, lòng nhiệt huyết và tình yêu cuộc sống để học sinh cảm thấy hạnh phúc mỗi khi tới lớp”. Đó là những chia sẻ chân tình của thầy Nguyễn Chí Tuấn, thật đúng như vậy, khi một người làm “nghề truyền lửa” đặt hết tâm huyết của mình vào bài dạy, có sự linh hoạt và sáng tạo trong từng tiết dạy thì dù là tiết học khô khan, nhàm chán như Địa lý cũng sẽ trở nên hấp dẫn, thu hút được sự chú ý, yêu thích của học sinh.

Trên đây là phần 1 về bí quyết để có những giờ dạy Địa lý hay, phần 2 sẽ được AZest tiếp tục chia sẻ vào kỳ tới. Hãy cùng đón đọc.

ĐỪNG QUÊN ĐỂ LẠI EMAIL CUỐI BÀI ĐỂ NHẬN THÊM NHỮNG THÔNG TIN HẤP DẪN CỦA AZTEST

>>>Xem thêm: Đề thi trắc nghiệm và đáp án bài thi mẫu môn Văn - Sử - Địa của Kỳ thi đánh giá năng lực 2019 - ĐHQG TP.HCM

---------------------------------------------------------------------------------------------------------

AZtest là hệ thống tạo lập website thi trắc nghiệm trực tuyến do CÔNG TY TNHH PHÁT TRIỂN VÀ DỊCH VỤ NGUỒN MỞ THUẬN ĐỨC phát triển. Với AZtest, người dùng có thể dễ dàng sở hữu một website tổ chức ôn tập, thi trắc nghiệm trực tuyến hoàn toàn miễn phí, độc lập, được cá nhân hóa theo yêu cầu của người quản trị.
Liên hệ 02336.270.610 - 0905.908.430 (hotline 24/7) hoặc Fanpage https://fb.me/aztest.vn để được tư vấn trực tiếp bởi đội ngũ kỹ thuật viên của AZtest.

   

Nguồn tin: Báo Giáo dục và thời đại

Bạn sẽ không bỏ lỡ bất kỳ bài viết nào từ AZtest, hãy để lại email ngay bên dưới!

Tổng số điểm của bài viết là: 6 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 3 - 2 phiếu bầu

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn