Bao nhiêu giáo viên đủ khả năng dạy chương trình tích hợp ?

Chủ nhật - 21/01/2018 22:41
Sau khi công bố dự thảo chương trình các môn học mới, khá nhiều giáo viên ở bậc học trung học cơ sở cảm thấy áp lực và hoang mang.
Bao nhiêu giáo viên đủ khả năng dạy chương trình tích hợp ?

Lo ngại, hoang mang là đúng. Bởi phần lớn các thầy cô lớn tuổi trước đây học sư phạm cũng chỉ được đào tạo chuyên sâu 1 môn, ra trường 20 năm cũng chỉ dạy mỗi môn học ấy. Chưa nói rằng ngay từ khi đi học, phần lớp giáo viên cũng chỉ có sở trường một, hoặc hai môn. Nay nói dạy tích hợp đâu có dễ dàng gì? Trong thực tế đã có khá nhiều thầy cô dạy Sinh học khi dạy giúp cho đồng nghiệp môn Vật lý, nhưng chỉ có thể trông lớp, quản học trò thôi, chứ biết dạy thế nào, bởi làm sao họ thuộc hết các công thức vật lý? 

Giáo viên dạy Hóa không giải nỗi bài Lý khi trò hỏi cũng là chuyện thường. Học trò làm cách không giống thầy cũng chẳng biết là đúng hay sai. Một số trường học hiện nay thiếu giáo viên nên thường phân công giáo viên dạy chéo môn (thầy Lý dạy thêm Hóa, thày Sinh dạy thêm Lý…) nhưng cũng chỉ dám phân công chéo ban ở những khối lớp nhỏ nhất. Thế mà, có thầy cô trước khi lên lớp phải hỏi đồng nghiệp cách cân bằng phương trình sao cho gọn, cách hướng dẫn học sinh giải sao cho nhanh, ngoài cách giải đơn thuần còn cách giải nào khác hiệu quả hơn để lên lớp đề phòng có trò hỏi còn biết trả lời…

Người ta biết mười dạy một nhưng mình biết một dạy một thì dạy thế nào? Thực trạng giáo viên hiện nay là thế, các nhà biên soạn chương trình cũng đã thừa nhận “giáo viên của chúng ta hiện nay được đào tạo và đã quen dạy các môn học riêng rẽ nên giờ họ dạy một môn học có nhiều lĩnh vực kiến thức, rộng hơn, tổng hợp hơn”. 

Thế nhưng thầy Mai Sỹ Tuấn vẫn tự tin cho biết (mặc dù chẳng biết thầy dựa vào đâu? Căn cứ nào?):“Giáo viên đang dạy môn học riêng rẽ thì sau khi được tập huấn, bồi dưỡng vẫn có thể dạy được những nội dung liên quan. Tuy nhiên, xét về mặt lâu dài thì các trường sư phạm phải đào tạo giáo viên dạy các môn học tích hợp theo đúng tinh thần của môn học này”.
 Mặc dù "Giáo viên các môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý sẽ được tập huấn như giáo viên môn học khác. Nhưng bên cạnh đó, họ sẽ được học các tín chỉ để có thể một mình đảm nhiệm được môn học". Cứ cho là qua một vài khóa bồi dưỡng theo tín chỉ, thầy dạy Vật lý cáng đáng luôn được 2 môn mới là Hóa học, Sinh học hoặc ngược lại, như thế 2 môn mới này sẽ làm thừa ra 3 giáo viên đơn môn. Nhân với số trường trung học cơ sở của cả nước, số giáo viên dôi dư do quý thầy “tích hợp” sẽ không hề nhỏ.

Những giáo viên này sẽ đi đâu, về đâu? Liệu có xảy ra một cuộc chạy đua ma-ra-tông giữa các giáo viên đơn môn để có được 1 chứng chỉ “tích hợp” và câu chuyện mua bán chứng chỉ Ngoại ngữ theo Đề án 2020 lại lặp lại? Và không một quý thầy nào trong ban phát triển chương trình hay lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo cam kết nhận trách nhiệm cũng như hình thức chịu trách nhiệm, nếu chương trình mới lại thất bại, đặc biệt là 2 môn “tích hợp” này. Làm chính sách như thế dễ quá, nhàn quá, sướng quá! Còn thầy và trò thì lại tiếp tục “quay như đèn cù”.

Ban soạn thảo chương trình bỏ qua nền tảng gốc là kiến thức của giáo viên có đủ để dạy “tích hợp” theo kiểu cộng dồn cơ học hay không để trông chờ vào một chuyện khá viển vông, rằng: “Số nước trên thế giới giảng dạy môn Khoa học tự nhiên theo dạng tích hợp chiếm số đông nên Việt Nam có thể học hỏi kinh nghiệm của họ rất nhiều.  Không phải bây giờ chúng ta mới nói đến việc tích hợp các môn học mà từ trước đến nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng từ việc tuyên truyền, tập huấn cho giáo viên về phương pháp dạy học tích hợp, xây dựng chủ đề tích hợp”...

Bộ Giáo dục và Đào tạo đang giao nhiệm vụ cho các trường đại học sư phạm thực hiện tốt việc đào tạo, tập huấn cho giáo viên một cách thận trọng, cẩn thận. Để hiểu thêm về việc Bộ Giáo dục và Đào tạo đã "chuẩn bị", "chạy đà" như thế nào cho "tích hợp", chúng tôi xin nêu một đoạn giải thích của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong Báo cáo gửi Quốc hội về đánh giá việc thực hiện Nghị quyết số 40/2000/QH10 về đổi mới chương trình giáo dục phổ thông:

“Ở cấp tiểu học đã xây dựng một số môn học có tính tích hợp thể hiện khá rõ như: Tìm hiểu Tự nhiên và Xã hội ở các lớp 1, 2, 3; Khoa học, Lịch sử và Địa lý ở các lớp 4, 5. 

Ở cấp trung học cơ sở và cấp trung học phổ thông đã có sự tích hợp các nội dung trong từng môn học (tích hợp các phân môn Cơ học, Điện, Nhiệt học và Quang học trong môn Vật lý; 

Đại số, Hình học, Lượng giác trong môn Toán; Hoá học hữu cơ và Hoá học vô cơ trong môn Hoá học; Địa lý tự nhiên và Địa lý kinh tế - xã hội trong môn Địa lý; 

Tiếng Việt, Văn học và Tập làm văn trong môn Ngữ văn); đồng thời, tích hợp các nội dung giáo dục về năng lượng, biến đổi khí hậu, kỹ năng sống, dân số, sức khoẻ sinh sản… vào nhiều môn học khác nhau.”

Quý thầy làm chương trình nên nhớ, dù có bồi dưỡng, tập huấn giáo viên dài ngày cũng chỉ cải thiện được phương pháp và kĩ năng dạy học. Còn để thay đổi kiến thức của người dạy là một điều vô cùng khó, nếu không muốn nói là không thể. 

Giáo viên cũ thì thế, trông chờ vào lớp sinh viên mới ư? Thi cao đẳng, đại học sư phạm 3 điểm / môn hoặc chạm điểm sàn thì trình độ nào để “tích hợp” kiến thức của cả 3 môn tự nhiên hoặc 2 môn xã hội cho tốt được đây?

Tác giả: Hồ Thị Xuân

Nguồn tin: giaoduc.net.vn

Bạn sẽ không bỏ lỡ bất kỳ bài viết nào từ AZtest, hãy để lại email ngay bên dưới!

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn