Mô hình "Vườn Địa lý" thu hút học sinh yêu môn Địa

Thứ ba - 17/09/2019 05:27
Mô hình “Vườn Địa lý” ở Trường THPT Châu Văn Liêm (thị trấn Mỹ Luông, huyện Chợ Mới, An Giang) là mô hình thu hẹp, mô tả không gian địa lý từng vùng miền. “Vườn Địa lý” được ngành Giáo dục đánh giá là mang lại hiệu quả thiết thực trong việc dạy và học môn Địa lý.
Mô hình vườn Địa lý ở trường THPT Châu Văn Liêm
Mô hình vườn Địa lý ở trường THPT Châu Văn Liêm

Khởi xướng mô hình này là thầy Đặng Hùng Dũng, giáo viên có 25 năm kinh nghiệm giảng dạy môn Địa lý ở Trường THPT Châu Văn Liêm. “Vì thấy học sinh chưa yêu thích học môn Địa lý, và ngay cả đa số giáo viên nghĩ rằng đây là môn phụ nên với tâm huyết của một nhà giáo, mặc dù kinh phí rất hạn hẹp nhưng tôi đã bỏ công sức và tiền bạc bù vào chỗ kinh phí được cấp của trường để xây dựng mô hình mong muốn góp phần tạo cảnh quan đẹp cho nhà trường” – thầy Dũng bộc bạch.

Mục đích của mô hình “Vườn Địa lý” thu nhỏ này sẽ giúp cho học sinh tham quan, tìm hiểu tiếp thu nhanh và nắm kiến thức sâu hơn về các bài giảng liên quan đến kiến thức Địa lý tự nhiên (thay vì học sinh chỉ tưởng tượng qua lời nói, xem tranh ảnh), mặt khác cũng giúp các giáo viên dạy.

Địa lý có mô hình trực quan sinh động hơn

Từ khi có mô hình, Trường THPT Châu Văn Liêm đã được nhiều nơi khác đến học tập. Cô Trần Thị Hồng Nhung, Tổ trưởng bộ môn Địa lý cho biết: ”Vườn Địa lý được tạo ra với mong muốn được đổi mới phương pháp dạy và học môn Địa lý truyền thống. Từ địa hình 3 miền thu nhỏ, sau khi Vườn Địa lý được hình thành, việc học tập bộ môn Địa lý của học sinh cũng thay đổi đáng kể theo hướng tích cực hơn, sáng tạo hơn.

Về thiết kế và xây dựng “Vườn Địa lý” được đặt ngay trong khuôn viên trường, tại vị trí phía trước khu nhà học tập, đây là nơi có không gian rộng rãi, thoáng, ít vật cản không làm ảnh hưởng đến sự vận động và lưu thông các luồng không khí. Vườn được xây trên bề mặt bằng phẳng, rộng chừng 20m2... Sự xuất hiện của khu vườn đặc biệt “có một không hai” này rất có ý nghĩa đối với việc giảng dạy và tiếp thu các bài học Địa lý. Giờ đây, việc học tập môn Địa lý không còn là các bài học lý thuyết khô khan mà theo đó được chú trọng tính thực hành nhiều hơn. Học sinh ghi nhớ kiến thức sẽ trở nên thú vị, hiệu quả hơn khi nhiều lần được quan sát thực tế.

Học sinh đang tham quan mô hình 'Vườn Địa lý'
Học sinh đang tham quan mô hình "Vườn Địa lý"

Em Phan Kim Phụng, học sinh lớp 11A1 nhận định: “Ngay lần đầu tiên bước vào ngưỡng cửa cấp ba, khi quan sát khung cảnh của ngôi trường mới, khung cảnh làm cho mọi người cảm thấy rất gần gũi, thân thuộc đó là vườn Địa lý của trường. Một vườn Địa lý đơn giản nhưng rất đẹp, hàng chữ “Vườn Địa lý” được làm bằng sỏi màu đậm nhạt được đính trên bức tường trông lạ mắt mà rất thu hút. Một con suối nhân tạo chảy trên bức tường, vào những ngày trời nắng, bức tường sáng óng ánh như một thảm kim tuyến. Buổi tối khi rực ánh đèn thì “Vườn Địa lý” là khung cảnh nhiều màu sắc. Dưới con suối có những đàn cá nhỏ bơi lội tung tăng trong rất sinh động”. 

Em Kim Phụng chia sẻ: “Em rất thích những buổi học ngoại khoá được cùng các bạn ngắm Vườn Địa lý, khi nhìn vào mô hình thiên nhiên thu nhỏ dường như cảm thấy giải tỏa đi phần nào căng thẳng, mệt mỏi nên thấy mình hòa nhập với thiên nhiên hơn. Những bài học về địa lý tự nhiên khá trừu tượng nhưng được quan sát thực tế tại vườn Địa lý thì lại rất lý thú và hữu ích. Điều này giúp em cảm thấy thêm yêu thích môn Địa lý, góp phần làm cho việc học tập môn Địa lý được tốt và tiến bộ hơn. Những cây xanh động vật em chưa từng thấy cũng được thể hiện ở đây, đã làm nâng cao thêm hiểu biết cho em”. 

Mô hình vườn Địa lý thu hút rất đông học sinh

Em Cao Hữu Thịnh, học sinh lớp 11A1 cho biết thêm: “Mặc dù vườn không rộng, chỉ khoảng 20m2 và tưởng như chỉ là một cảnh đẹp tạo thêm cho trường, nhưng đó lại là một kho tàng hình ảnh minh họa về Địa lý mà khó có thể bắt gặp ở những ngôi trường khác. Từ khí quyển với những đám mây, Mặt trăng, Mặt trời cùng những dòng nước chảy xuống như mưa, đến những bậc đá dài được gắn trên tường với dòng chữ “Vườn Địa lý”, vừa thể hiện được đồi núi, cao nguyên xếp tầng, vừa có thể là những thửa ruộng bậc thang của đồng bào các dân tộc…”.

Rất đông học sinh tham quan, học tập từ mô hình
Rất đông học sinh tham quan, học tập từ mô hình

Ngoài ra, em Thịnh cũng như nhiều em học sinh của trường mong muốn nhà trường nên đầu tư thêm cơ sở vật chất cho “Vườn Địa lý”, tạo thêm nhiều cảnh quan như: biển đảo, hang động, đồi cát…

Với mô hình xây dựng Vườn Địa lý đẹp, gọn, ý nghĩa giáo dục cao, Ban giám hiệu cũng như toàn thể các giáo viên Trường THPT Châu Văn Liêm đều có chung mong muốn sẽ mang đến một môi trường học tập đầy đủ, hoàn thiện, phục vụ tốt cho sự phát triển toàn diện cũng như tích lũy kiến thức của học sinh cho tương lai.

Được biết, “Vườn Địa lý” của thầy trò Trường THPT Châu Văn Liêm đã được lãnh đạo Sở GD-ĐT tỉnh An Giang đánh giá rất cao, là điểm để nhiều trường trên địa bàn đến tham quan học hỏi mô hình, vì đây là ý tưởng mang lại hiệu quả cao trong việc dạy và học môn Địa lý.

>>> Xem thêm: Cách tạo đề thi trắc nghiệm môn Địa lý lớp 9

Nguồn tin: tuyensinhtoanquoc.com

Bạn sẽ không bỏ lỡ bất kỳ bài viết nào từ AZtest, hãy để lại email ngay bên dưới!

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn