Rèn tính tư duy tích cực, sáng tạo cho học sinh từ bài tập Hóa học
Mối quan hệ giữa nắm vững kiến thức và giải bài tập Hóa học
Trao đổi về mối quan hệ giữa việc nắm vững kiến thức và giải bài tập Hóa học, cô Ninh Thị Thuận dẫn theo lý luận dạy học: Kiến thức được hiểu là kết quả quá trình nhận thức bao gồm “một tập hợp nhiều mặt về chất lượng và số lượng của các biểu tượng và khái niệm lĩnh hội được, giữ lại trong trí nhớ và được tái tạo lại khi có những đòi hỏi tương ứng”. Những kiến thức được nắm một cách tự giác, sâu sắc do có tích luỹ thêm kỹ năng, sẽ trở thành công cụ tư duy của HS.
Còn theo M.A Đanilop, kỹ năng là khả năng của con người biết sử dụng có mục đích và sáng tạo những kiến thức và kỹ xảo của mình trong quá trình hoạt động lý thuyết cũng như thực tiễn. Kỹ năng bao giờ cũng xuất phát từ kiến thức, dựa trên kiến thức. Kỹ năng chính là kiến thức trong hành động.
Còn kỹ xảo là hành động mà những hợp thành của nó do luyện tập mà trở thành tự động hóa. Kỹ xảo là mức độ cao của sự nắm vững kỹ năng. Nếu như kỹ năng đòi hỏi ở mức độ nhiều, ít sự tự kiểm tra, sự tự giác, tỉ mỉ thì kỹ xảo là hành động đã được tự động hóa, trong đó sự tự kiểm tra, tự giác xảy ra chớp nhoáng và các thao tác được thực hiện rất nhanh, như một tổng thể, dễ dàng và nhanh chóng.
Sự nắm vững kiến thức có thể được phân biệt ở 3 mức độ: Biết, hiểu và vận dụng được. Biết một kiến thức nào đó nghĩa là nhận ra nó, phân biệt nó với các kiến thức khác, kể lại một nội hàm của nó một cách chính xác. Đây là mức độ tối thiểu mà HS cần đạt được trong giờ học tập. Hiểu một kiến thức là gắn kiến thức ấy vào một kiến thức đã biết, đưa được nó vào trong hệ thống kinh nghiệm của bản thân, dẫn đến có khả năng vận dụng nó một cách linh hoạt và sáng tạo.
Vận dụng kiến thức vào giải quyết các nhiệm vụ thực tiễn, tức là phải tìm được kiến thức thích hợp trong vốn kiến thức đã có để giải quyết một nhiệm vụ mới. Thông qua vận dụng kiến thức đã được nắm vững một cách thực sự, sâu sắc hơn càng làm cho quá trình nắm vững kiến thức một cách tự giác, sáng tạo, làm cho mối quan hệ giữa lý thuyết và thực tiễn càng sâu sắc, gần gũi. Mặt khác, trong khi vận dụng kiến thức, các thao tác tư duy được trau dồi, một số kỹ năng được hình thành và củng cố, hứng thú học tập của HS được nâng cao.
Từ những nội dung trên, cô Ninh Thị Thuận cho rằng, để đảm bảo cho HS nắm vững kiến thức Hóa học một cách chắc chắn, cần phải hình thành cho các em kỹ năng vận dụng kiến thức thông qua nhiều hình thức tập luyện khác nhau. Trong đó, việc giải bài tập một cách có hệ thống từ dễ đến khó là một hình thức rèn luyện phổ biến được tiến hành nhiều nhất. “Theo nghĩa rộng, quá trình học tập là quá trình liên tiếp giải các bài tập. Vì vậy, kiến thức sẽ được nắm vững hoàn toàn nếu như họ tự lực, tích cực vận dụng linh hoạt, dùng kiến thức ấy để giải quyết các bài toán khác nhau” - cô Ninh Thị Thuận nhấn mạnh.
4 giai đoạn giải bài tập Hóa học
Cô Ninh Thị Thuận chia sẻ 4 giai đoạn của quá trình giải bài tập Hóa học gồm: Nghiên cứu đầu bài, xây dựng tiến trình luận giải, thực hiện tiến trình giải và đánh giá việc giải.
Trong đó
- Khi nghiên cứu đầu bài: giáo viên cần lưu ý HS đọc kỹ đầu bài; phân tích các điều kiện và yêu cầu của đề bài (nên tóm tắt dưới dạng sơ đồ cho dễ sử dụng). Sau đó, chuyển các giả thiết đã cho về các giả thiết cơ bản; cuối cùng viết phương trình Hóa học có thể xảy ra.
- Xây dựng tiến trình luận giải: cô Ninh Thị Thuận cho rằng, thực chất là đi tìm con đường đi từ cái cần tìm đến cái đã cho, bằng cách xét một vài bài tập phụ liên quan. Tính logic của bài tập có chặt chẽ hay không là ở giai đoạn này. Nếu giáo viên biết rèn luyện cho HS tự xây dựng cho mình một tiến trình luận giải tốt, tức là giáo viên đã dạy cho HS bằng bài tập. Thông qua đó HS không chỉ nắm vững kiến thức, biết cách giải mà còn có được một cách thức suy luận, lập luận để giải bất kỳ một bài tập nào khác.
- Thực hiện tiến trình giải: theo cô Ninh Thị Thuận, quá trình này ngược với quá trình giải, thực chất là trình bày lời giải một cách tường minh từ giả thiết đến cái cần tìm. Với các bài tập định lượng, phần lớn là đặt ẩn số, dựa vào mối tương quan giữa các ẩn số để lập phương trình, giải phương trình hay hệ phương trình và biện luận kết quả (nếu cần).
- Đánh giá việc giải: cô Ninh Thị Thuận lưu ý: Trên thực tế, ngay cả với những HS giỏi, sau khi tìm ra cách giải và trình bày lập luận của mình một cách sáng sủa, cũng xem như việc giải đã kết thúc. Như vậy là chúng ta đã bỏ mất một giai đoạn quan trọng và rất bổ ích cho việc học, đó là nhìn lại cách giải, khảo sát, phân tích kết quả và con đường đã đi. Thông qua việc này, HS có thể củng cố kiến thức, nhận ra sai lầm, tìm được cách tối ưu và phát triển khả năng giải bài tập của mình. Người giáo viên phải hiểu và làm cho HS hiểu rằng, không có một bài tập nào hoàn toàn kết thúc, bao giờ cũng còn vấn đề để suy nghĩ. Từ đó rèn luyện cho HS cách tư duy tích cực, không ngừng sáng tạo, không ngừng tự tìm tòi, học hỏi.
>>> Xem thêm: Cách tạo đề thi trắc nghiệm môn Hóa học lớp 10
Nguồn tin: Báo Giáo dục và thời đại
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn