Dự thảo Ngữ văn mới, giảm tải hay quá tải
Chẳng hạn, yêu cầu viết ở lớp 11: “Viết được văn bản nghị luận về một tác phẩm nghệ thuật (bộ phim, bài hát, bức tranh hoặc pho tượng); nêu và nhận xét về nội dung, một số nét nghệ thuật đặc sắc”, Yêu cầu này được cho là quá sức ngay cả với thầy cô. Bản thân mỗi loại phim ảnh, bài hát, bức tranh, pho tượng là những thể loại nghệ thuật khác nhau. Và chỉ người có chuyên môn về loại hình nghệ thuật nào mới có thể đánh giá tác phẩm nghệ thuật loại đó. Bởi lẽ mỗi loại nghệ thuật có chất liệu riêng, ngôn ngữ riêng, và quá trình sáng tạo riêng.
Trong nội dung chương trình, không có bài nào dạy học sinh những tri thức này, làm sao học sinh có thể viết nổi một bài bình về tranh Lập thể của Picasso, tranh Siêu thực của Dali, làm sao học sinh có thể phân tích được cấu trúc giai điệu, hòa âm phối khí của một ca khúc, nghệ thuật trình tấu để viết một bài phê bình âm nhạc?…
Một yêu cầu khác về viết ở lớp 11: “Viết được văn bản nghị luận phân tích, đánh giá một tác gia hay hiện tượng văn học”.
Yêu cầu này cũng là quá sức với học sinh 11. Bởi nội dung chương trình, học sinh 11 không được tiếp cận với một tác giả với tư cách tác gia. Trong thực tế nếu muốn đánh giá về một tác gia, ít nhất cần phải đọc tất cả tác phẩm của tác giả ấy, nắm được nội dung, chủ đề, tư tưởng, quan điểm nghệ thuật, phương pháp sáng tác, hoàn cảnh sống, hoàn cảnh xã hội đã ảnh hưởng đến sáng tác, và cả mục đích sáng tác nữa.
Ví dụ điển hình như Nguyễn Du, 250 năm qua, Ông vẫn là đề tài nghiên cứu cho nhiều người. Ngay cả các tác gia hiện đại như Nguyễn Tuân, Nam Cao, Nguyễn Huy Thiệp… nếu không được giảng dạy và hướng dẫn nghiên cứu, học sinh cũng không thể làm được!
Đặc biệt hiện tượng “Thơ trẻ”, “thơ khó hiểu”, hiện tượng cách tân thơ Việt đầu thế kỷ XXI, hoặc văn chương sex, tiểu thuyết ngôn tình mấy năm gần đây… những hiện tượng như thế là ngoài sức đọc, sức hiểu, khả năng nghiên cứu và khả năng viết của học sinh 11. Một yêu cầu như thế có phải là quá tải không?
Một yêu cầu Nói và nghe ở lớp 10: “3.b. Biết tham gia một cuộc phỏng vấn, xác định được mục đích và phương thức phỏng vấn, biết chuẩn bị nội dung và phương tiện để tiến hành phỏng vấn một cách hiệu quả.”
Thực tế đây là yêu cầu tốt nghiệp của sinh viên trường cao đẳng phát thanh truyền hình, báo chí. Yêu cầu học sinh lớp 10 tham gia thực hiện một cuộc phỏng vấn có hiệu quả, phải chăng là quá sức với học sinh lớp 10? Những sinh viên này được học kỹ về thực hiện một bài phỏng vấn, xác định rõ mục đích và phương thức phỏng vấn, cách đưa tin, có đủ trang bị đủ thiết bị thu âm, biên tập chương trình, và thực hiện trong những hoàn cảnh đặc thù. Bởi vì, để thực hiện một cuộc phỏng vấn, cần một nhóm chừng 5 em học sinh được hướng dẫn, được trang bị kỹ năng, máy móc, và phải tốn nhiều thời gian mới thực hiện được. Nếu một lớp 45 học sinh, chia là 9 nhóm, thì thời gian đâu để thầy cô hướng dẫn thực hiện? Phải chăng chương trình muốn tạo điều kiện cho các em chơi vui, như vậy nào có ích gì?
Và hình như chương trình muốn học sinh trở thành rất nhiều "nhà”.
Tác giả: Hồ Thị Xuân
Nguồn tin: giaoduc.net.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn