Dạy - học môn Ngữ văn mới: Chuyển hướng đào tạo năng lực

Thứ ba - 29/12/2020 22:11
Tư tưởng chuyển hướng đào tạo năng lực, khắc phục khuynh hướng coi trọng truyền thụ kiến thức/kỹ năng một chiều đã được số đông GV hưởng ứng. Chương trình mới đã công bố, SGK mới sắp xuất bản, cả xã hội đang trông chờ những thay đổi trong nền GD nước nhà. Đó là chia sẻ của GS.TS Trần Đình Sử về đổi mới hoạt động bồi dưỡng, đào tạo GV đáp ứng mô hình dạy học phát triển năng lực.
Dạy - học môn Ngữ văn mới: Chuyển hướng đào tạo năng lực
Dạy - học môn Ngữ văn mới: Chuyển hướng đào tạo năng lực

Những thách thức mới

Một nội dung thu hút sự quan tâm đặc biệt của môn Ngữ văn mới là những vấn đề cụ thể trong dạy học Ngữ văn theo hướng phát triển năng lực. Giữa dạy học theo hướng tiếp cận nội dung, cung cấp tri thức với tiếp cận năng lực cơ bản khác nhau ở chỗ nào? Làm sao để vận dụng những hiểu biết có tính lý thuyết về dạy học phát triển năng lực vào giải quyết nội dung dạy học ở từng tiết học? Bằng cách nào để giải quyết mối quan hệ tri thức cần kiến tạo và năng lực cần phát triển qua mỗi giờ dạy? Dạng câu hỏi đánh giá năng lực có diện mạo ra sao?....

Theo TS Đặng Lưu, Viện Sư phạm xã hội (Trường ĐH Vinh), đây là những điểm mấu chốt cần được nhận thức sâu sắc đầy đủ, cần được thảo luận để làm sáng tỏ, vừa là những thách thức mà GV trực tiếp đứng lớp phải đối mặt. So với những lần thay đổi chương trình và SGK trước đây, lần thay đổi này khác hẳn: Chương trình mở ra một hướng dạy học mới, với những yêu cầu khiến cho những thế mạnh, kinh nghiệm trước đó của GV có lúc vô dụng hay biến thành trở lực.

Chia sẻ về vấn đề này, PGS.TS Biện Minh Điền, Viện Sư phạm xã hội, (Trường ĐH Vinh) cho biết: Chương trình GDPT mới, trong đó có môn Ngữ văn được xây dựng và chuẩn hóa theo hướng hiện đại, bảo đảm chất lượng, tích hợp cao ở lớp dưới và phân hóa dần ở lớp học trên, cho phép vận dụng nhiều phương pháp và kỹ năng dạy học tích cực nhằm phát triển phẩm chất, năng lực HS. Tuy nhiên có không ít những điểm còn bất cập. Nếu thiếu sự tập huấn kỹ càng cho GV chắc chắn chương trình khó có thể vận hành và được thực hiện hiệu quả.

Nói về tư tưởng chuyển hướng đào tạo năng lực, GS.TS Trần Đình Sử cho biết: Trong việc đào tạo nhân cách con người, văn học và môn Ngữ văn có vai trò rất quan trọng. Riêng môn Ngữ văn, năng lực bao trùm là năng lực giao tiếp, bao gồm các năng lực nghe, nói, đọc, viết. Trên nền tảng các năng lực công cụ ấy, văn học tác động vào hình thành các tố chất của con người.

Phát huy cá tính để phát triển năng lực

Phương pháp dạy học văn đích thực, phải làm sao cho HS tiếp xúc trực tiếp với bản thân văn học càng nhiều càng tốt, HS phải nhớ được hình ảnh ý thơ, câu chữ, cốt truyện, nhân vật, chi tiết, rồi tự mình suy nghĩ ý nghĩa của chúng. Bớt đi sự phân tích bình giảng của thầy cô, khiến cho HS thấy đã hiểu rồi, không cần một cố gắng nào để hiểu thêm văn nữa, thế là bỏ phí một cơ hội để dạy HS đọc văn theo hướng đào tạo năng lực.

Theo GS.TS Trần Đình Sử, năng lực không phải là kiến thức mà là khả năng vận dụng, đáp ứng hiệu quả nhu cầu thực tiễn của mỗi người, năng lực ấy phải được rèn luyện qua thực hành, thực tiễn mới có được. Nhà ngữ học cho biết để hiểu một câu, không nhất thiết phải nghe và hiểu từng chữ trong câu đó rồi mới hiểu, mà chỉ cần hiểu kiểu câu nghe hiểu một, hai từ then chốt hoặc ngữ điệu là hiểu ngay ý cả câu nói.

Nói đến năng lực, chúng ta phải nói đến năng lực cá nhân của từng người. GV phải thuộc từng cá tính của học sinh mới đào tạo được năng lực cho họ. Và phát huy cá tính là nguyên tắc quan trọng để phát triển năng lực của từng người học.

Sự hình thành năng lực còn gắn liền với hứng thú. Khi một người không có hứng thú thì dù có hoạt động, người đó vẫn không tham gia với toàn bộ tâm hồn, do đó, hiệu quả hình thành năng lực không xảy ra. Vì thế, hứng thú là điều kiện để trở hành năng lực. Điều này đòi hỏi người thầy và toàn ngành GD phải nghiên cứu vì sao HS suy giảm hứng thú đối với bài học, môn học.

Nhìn lại hoạt động dạy học Ngữ văn trong thời gian qua, dễ dàng thấy nhiều hoạt động đã bị coi nhẹ. Sự độc diễn của GV đã chiếm hết hoạt động của HS. Nhưng thế nào là hoạt động trong môn Ngữ văn? Hoạt động ở các cấp học khác nhau. Giao tiếp, nói, viết, đọc ở tiểu học dễ dàng tổ chức sinh động. HS càng lớn, hoạt động sẽ đi vào cá thể hóa, khó tổ chức hơn.

Ở đây, từng kiểu hoạt động cần được suy nghĩ thấu đáo. Hoạt động đóng vai, diễn kịch chỉ ở mức độ, ở THCS không nên bị lạm dụng. Ở THPT cần thiên về các hoạt động trí tuệ như đối thoại, tập nghiên cứu, trình bày, thảo luận. GV sẽ bớt diễn giảng mà thiên về tổ chức, hướng dẫn, kịp thời uốn nắn những cách suy diễn thô thiển, tùy tiện.

Truyền cảm hứng vẫn là người thầy

Theo GS.TS Trần Đình Sử, bản chất của dạy học tích cực là làm sao để HS động não, bày tỏ cách hiểu của mình. Đối với các lớp lớn, nên tạo điều kiện cho các em phát huy tưởng tượng sáng tạo trong đọc hiểu, phân tích, thưởng thức tác phẩm thơ, truyện. Qua đó tạo hứng thú cho HS và phát hiện những chỗ hiểu sai, hiểu nhầm. Làm sao cho HS thấy việc nói sai để trao đổi cũng bình thường, trao đổi không sợ sai. Khuyến khích các em đọc mở rộng tham khảo các tài liệu ngoài SGK.

Chuyển hướng đào tạo năng lực là một mục tiêu giáo dục mới đang đặt ra môn Ngữ văn, rất khác với GD truyền thống. Đào tạo năng lực phải là đào tạo ra những con người cụ thể, sao cho sau mỗi bài học, HS tự cảm thấy lớn lên, không chỉ có tri thức mà có thể có kinh nghiệm để đi vào bài học mới.

Đề cao vai trò của GV, PGS.TS Biện Minh Điền cho rằng: Trong tất cả các hoạt động từ dạy đọc hiểu văn bản nói chung đến dạy đọc hiểu văn bản văn học; từ dạy nói và nghe đến dạy viết (tạo lập các kiểu văn bản), GV chỉ là người hướng dẫn, tổ chức, khơi gợi. Điều này là hết sức cần thiết đối với hướng dạy học theo mô hình phát triển năng lực.
Tùy vào đối tượng HS ở từng cấp học, lớp học và thể loại văn bản văn học mà vận dụng các phương pháp kỹ thuật và hình thức dạy học cho phù hơp. Dẫu trong trường hợp nào, người truyền cảm hứng vẫn là người thầy trên lớp. Phương pháp diễn giảng phân tích mẫu, thuyết trình tích cực đối với môn Ngữ văn là một phương pháp khó có thể thay thế. Vấn đề là cách dùng nó trong những trường hợp nào, với mức độ nào và trong sự phối kết hợp với các phương pháp khác sao cho phù hợp mà mang tính hữu hiệu. Điều này chỉ có thể do năng lực và vốn liếng văn hóa, văn học, ngôn ngữ của người dạy quyết định.
>>> XEM THÊM: Cách tạo đề thi trắc nghiệm môn Văn lớp 9 học kỳ I

--------------------------------------------
AZtest là hệ thống tạo lập website thi trắc nghiệm trực tuyến do
 CÔNG TY CỔ PHẦN TDFOSS phát triển. Với AZtest, người dùng có thể dễ dàng sở hữu một website tổ chức ôn tập, thi trắc nghiệm trực tuyến hoàn toàn miễn phí, độc lập, được cá nhân hóa theo yêu cầu của người quản trị.

Liên hệ hotline 0987.893.519 hoặc Fanpage https://m.me/aztest.vn để được tư vấn trực tiếp bởi đội ngũ kỹ thuật viên của AZtest.

Nguồn tin: Báo Giáo dục và thời đại

Bạn sẽ không bỏ lỡ bất kỳ bài viết nào từ AZtest, hãy để lại email ngay bên dưới!

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn