Dạy học online cho HS tiểu học: Trao quyền chủ động cho giáo viên, nhà trường
Mỗi giáo viên, nhà trường dựa trên khả năng tiếp thu của HS, điều kiện thực tế có hình thức dạy học và mục tiêu khác nhau. Theo các chuyên gia, việc Sở GD&ĐT Hải Phòng không tổ chức cho HS khối 1, 2 trực tiếp sử dụng thiết bị công nghệ để cài đặt tài khoản tự học trực tuyến là phù hợp với hướng dẫn.
Nhiều con đường tới đích
Sở GD&ĐT Hải Phòng quyết định không tổ chức cho HS khối 1, 2 trực tiếp sử dụng thiết bị công nghệ để cài đặt tài khoản tự học trực tuyến bởi hiệu quả không cao. Thực tế dạy học trực tuyến trong mấy ngày qua đã phát sinh nhiều bất cập, gây khó khăn cho HS, phụ huynh...
Trao đổi về vấn đề trên, TS tâm lý giáo dục Vũ Việt Anh – Tổng Giám đốc Học viện Thành Công (Hà Nội) cho rằng: Với trẻ khi học trực tuyến một phần để tăng cường kiến thức, nhưng quan trọng không kém là duy trì nền nếp học tập. Mặt khác, thời 4.0 việc để HS tiếp cận làm quen với công nghệ thông tin (CNTT) trong sự kiểm soát, thời lượng phù hợp… rất cần thiết.
Cô Nguyễn Thị Kim Ngọc – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phan Đình Giót (Thanh Xuân – Hà Nội) khẳng định: Dạy học trực tuyến trong thời gian HS nghỉ học phòng chống dịch của nhà trường diễn ra đều đặn, có chất lượng. Đặc biệt, với HS khối 1 triển khai Chương trình, SGK mới nên phòng GD&ĐT, nhà trường luôn quan tâm tới hiệu quả thực sự dạy trực tuyến. Qua test sơ bộ theo tuần và dự giờ học trực tuyến của HS toàn trường cho thấy cơ bản HS háo hức và tiếp thu tốt kiến thức.
Trên cơ sở thực tiễn của Trường Tiểu học Phan Đình Giót, cô Ngọc cho rằng: Cần tìm ra giải pháp dạy học hiệu quả, phù hợp để HS được học tập, liền mạch kiến thức trong thời điểm tạm nghỉ tới trường nếu không dạy học trực tuyến. Mặt khác, thời 4.0 và diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 việc tạo ra thói quen học tập trực tuyến cho HS là cần thiết. Nếu không có giải pháp kịp thời và chỉ trông đợi vào dạy học trực tiếp, HS sẽ quên kiến thức, chậm chương trình, chất lượng giáo dục giảm; tạo ra sức ỳ cho GV trong vấn đề lao động và sáng tạo...
Theo thầy Đào Chí Mạnh – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Kim Ngọc (Vĩnh Yên – Vĩnh Phúc), năm thứ 2 triển khai dạy học trực tuyến để đối phó với Covid-19, song vẫn còn nhiều khó khăn thách thức. Không ít cán bộ quản lý, GV “bê” nguyên thói quen dạy offline vào online nên kém hiệu quả… Tuy nhiên, chúng ta hoàn toàn có thể khắc phục những tồn tại này. Không có 1 phương pháp giáo dục nào vạn năng, mà chỉ có thể khắc phục điểm chưa được.
Tại Hải Phòng, dù không dạy học bài mới, không ôn tập bài cũ trực tuyến, nhưng GV lớp 1, 2 tại các trường tiểu học vẫn linh hoạt giao bài cho HS bằng nhiều hình thức, bảo đảm “không dừng việc học”. Thầy Phạm Văn Xình - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Hồng Phong, quận Kiến An bộc bạch: Chủ trương dừng học trực tuyến với HS lớp 1, 2 được sự ủng hộ cao của GV, phụ huynh HS. Để học sinh được rèn luyện, ôn tập, nhà trường chỉ đạo các tổ khối chuyên môn lớp 1, 2 và các GV xây dựng các clip ôn tập sau đó đăng lên trang web của nhà trường. GV kết nối hướng dẫn phụ huynh tải về cho con em ôn tập, làm bài theo hướng dẫn của cô giáo. Hình thức này, học sinh rất thích và phụ huynh chủ động thời gian để mở video cho con xem.
Cần giải pháp phù hợp
TS Vũ Việt Anh cho rằng: Dạy học trực tuyến với HS tiểu học và đặc biệt HS lớp 1, 2 hiệu quả phải bảo đảm được các điều kiện cần thiết và có giải pháp phù hợp. Với HS ở lớp nhỏ cần có sự hỗ trợ của người lớn (bố mẹ, anh chị); tạo không gian yên tĩnh, chuẩn bị sẵn sàng tài liệu, sách vở, bút… giúp trẻ tập trung tối đa vào học tập. GV cần chọn ra khung giờ học tập thích hợp để bố mẹ có thể đồng hành cùng con…
Đặc biệt, khi học, cha mẹ lưu ý luôn bật camera để trẻ có thể tương tác với thầy cô, bạn bè. Mọi người đều quan sát được nhau trong quá trình học tập buộc HS phải nghiêm túc hơn, không có thái độ lẩn tránh và biết tôn trọng thầy cô, bạn bè…
Cô Đào Thanh Hương – GV Trường Tiểu học Phan Đình Giót (Thanh Xuân – Hà Nội) cho biết: Những tiết học trực tuyến đã và đang đạt hiệu quả cao bởi nhà trường ngoài chuẩn bị tốt các điều kiện vật chất, tâm thế cho GV, HS còn GV chọn khung giờ học tập phù hợp để phụ huynh hỗ trợ.
Đặc biệt ban giám hiệu, tổ chuyên môn duyệt từng bài giảng trực tuyến của GV. Bài nào chưa đạt yêu cầu, GV sẽ phải soạn lại. Các bài giảng của GV được đưa lên để HS xem trước, đến giờ học GV tiếp tục hướng dẫn, trả lời những vướng mắc từ HS. Như vậy, HS gần như được học 2 lần trên 1 bài học, kiến thức nhớ sâu và lâu. Ngoài ra, mỗi 1 tuần, HS có 1 bài test để GV nắm bắt lại nhận thức trên cơ sở đó bù đắp những kiến thức bị hổng, chưa đúng…
Từ thực tế dạy học trực tuyến đối với HS tiểu học và đặc biệt HS lớp 1, 2, thầy Đào Chí Mạnh chia sẻ: Lớp có trên 10 HS sẽ khó đạt hiệu quả cao. Vì vậy, nhà trường luôn vận động GV bố trí thời gian, chia nhỏ lớp và dạy nhiều ca. Như vậy, mọi HS đều được tương tác và quan tâm trong quá trình dạy học trực tuyến.
Đặc biệt, ban giám hiệu cũng yêu cầu GV xây dựng video bài giảng dễ nhớ, kiến thức phù hợp, từ đó tạo hứng thú cho HS xem đi xem lại bài giảng nhiều lần và phát huy tinh thần tự học. Hệ thống bài tập cũng cần triển khai online để sau bài giảng, HS có thể làm bài tập ngay và được kiểm tra, biết kết quả...
>>> XEM THÊM: Học trực tuyến 'năm COVID-19 thứ hai': Hôm nay con không được đẹp cô ơi
AZtest là hệ thống tạo lập website thi trắc nghiệm trực tuyến do CÔNG TY CỔ PHẦN TDFOSS phát triển. Với AZtest, người dùng có thể dễ dàng sở hữu một website tổ chức ôn tập, thi trắc nghiệm trực tuyến hoàn toàn miễn phí, độc lập, được cá nhân hóa theo yêu cầu của người quản trị.
Liên hệ hotline 0987.893.519 hoặc Fanpage https://m.me/aztest.vn để được tư vấn trực tiếp bởi đội ngũ kỹ thuật viên của AZtest.
Nguồn tin: Báo Giáo dục và thời đại
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn