Đề Văn lạ gây hứng thú cho cả giáo viên
Ngày 17/9, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bắc Giang tổ chức thi chọn đội tuyển học sinh giỏi quốc gia năm 2018. Đề thi gồm hai câu, trong đó câu một chiếm 8 điểm với hình vẽ thuyền giấy nổi trên mặt nước gắn với bóng đèn phía dưới. Học sinh được yêu cầu viết bài văn nghị luận trình bày quan điểm về vấn đề được gợi ý từ bức ảnh.
Đề thi chọn đội tuyển học sinh giỏi quốc gia môn Ngữ văn của Sở Giáo dục Bắc Giang là dạng đề mở, đi kèm đáp án mở. Dạng đề thi đổi mới này sẽ kích thích sự tò mò, sáng tạo, khả năng tư duy của học sinh, gợi sự liên tưởng một hình ảnh với thực tiễn xã hội. Dưới góc nhìn của một giáo viên dạy Văn, tôi thấy rất hứng thú, có nhiều cái hay với kiểu đề này.Đề thi lạ gây chú ý trên diễn đàn học Văn. Nhiều người phản đối cho rằng đề thi giống như trò chơi, nhưng cũng không ít người ủng hộ. Cô giáo Ngữ văn Nguyễn Hoàng Anh Thư, trường THPT Hai Bà Trưng (TP Huế, Thừa Thiên Huế) chia sẻ quan điểm.
Hình ảnh trong đề nói về ước mơ, sáng tạo và tri thức song hành. Thuyền giấy - vật thường được ví von là thứ gửi gắm ước mơ. Tính chất con thuyền giấy giống như ước mơ của mỗi con người từ thuở mới chớm rất mong manh, dễ tan vỡ. Vì vậy nếu muốn ra biển lớn, muốn biến ước mơ trở thành hiện thực, bạn phải không ngừng sáng tạo, không ngừng nỗ lực tìm tòi tri thức.
Chiếc bóng đèn - vật phát ra ánh sáng soi rọi lên vạn vật do con người tạo ra có thể được hiểu như nguồn tri thức vô tận cũng như là sự sáng tạo của con người. Ước mơ và sự sáng tạo, tri thức luôn cần được buộc chặt, song hành với nhau. Lấy tri thức làm nền tảng để ước mơ trôi ra biển lớn.
Hình ảnh trên cũng gợi nhớ đến hai ông Cristophe Colomb và Thomas Edison, có những điều họ khám phá tưởng chừng như không thể. Họ đã tự thắp sáng tài năng bằng niềm tin, nghị lực phi thường.
Nhiều người cho rằng hình ảnh minh họa thật phi lý, cái bóng đèn nặng thế mà chiếc thuyền giấy kia làm sao chở nổi; cái bòng đèn chỉ có thể kìm hãm khả năng sáng tạo của học sinh, làm các em bế tắc.
Vấn đề không phải như vậy, nhìn từ hình ảnh minh họa thì có vẻ phi lý, nhưng nó ẩn chứa một thông điệp rất hiện thực - có tri thức nhưng thiếu thực tiễn sẽ thất bại, có tri thức nhưng thiếu hoài bão cũng không thể thành công. Vì thế dù hoàn cảnh thế nào, con người nếu kiên trì thực hiện hoài bão thì sẽ thành công. Niềm tin và ý chí sẽ thắp sáng, đẩy ước mơ đi đến đích.
Đề thi này sẽ rất khó khăn cho học sinh chưa có khả năng tư duy và liên tưởng, nhưng rất phù hợp để tuyển chọn học sinh giỏi. Chúng ta hãy khích lệ sự mạnh dạn của những người ra đề, bởi mục đích là cần tìm những học trò có tư chất thông minh, tư duy nhanh nhạy, hiểu biết thực tế, và biết cách lập luận vấn đề.
Đừng vội nản chí khi thấy một hình ảnh khó, đừng vội lắc đầu khi thấy một hình ảnh có vẻ phi lý, đừng vội đầu hàng khi cuộc sống gặp nhiều trắc trở, bởi mọi thứ đâu phải suy xét chỉ bằng những gì quan sát được.
“Chân trời là vô tận
Lại phải có điểm dừng
Bởi vì nó tồn tại
Trong suy nghĩ của mình”.
Tác giả: Hồ Thị Xuân
Nguồn tin: vnexpress.net
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn