3 KHÔNG trong kỳ thi THPT quốc gia 2018
Để chuẩn bị tốt nhất cho kỳ thi năm tới, học sinh 2k cần nắm được những thông tin quan trọng nhất về kỳ thi như phương án thi, cách ra đề, nội dung thi...
Không thay đổi phương thức thi
Ngay khi công bố phương án thi THPT quốc gia 2017, Bộ GD&ĐT đã khẳng định rằng, về cơ bản phương án thi năm 2017 sẽ được giữ ổn định cho đến năm 2020. Nếu có thay đổi chỉ là tăng thêm các yếu tố công nghệ, kỹ thuật cao trong kỳ thi như thay vì làm bài thi trên giấy thì năm 2018 thí sinh có thể được làm bài thi trên máy tính.
Như vậy, về cơ bản năm 2018, 2k vẫn thi trắc nghiệm khách quan với 9 môn thi Toán, Văn, Anh (bắt buộc) Lý - Hóa - Sinh (bài KHTN) và Sử - Địa - GDCD (bài KHXH). Trong đó chỉ có môn Văn thi tự luận còn các môn khác sẽ thi dưới hình thức trắc nghiệm. Tuy nhiên, Bộ GD&ĐT có thể cân nhắc lại số lượng câu hỏi và độ khó dễ của từng câu để tăng tính phân loại trong đề thi.
Kiến thức nhân đôi, thời gian không đổi
Để thí sinh dần thích nghi với phương thức thi mới, năm 2017 Bộ giới hạn nội dung thi chỉ trong chương trình lớp 12, còn năm 2018, nội dung thi chỉ có kiến thức lớp 12 và lớp 11. Đến năm 2019 thí sinh mới phải thi toàn bộ kiến thức bậc THPT. Như vậy, kỳ thi năm 2018, 2k sẽ phải gánh khối kiến thức nặng gấp đôi năm 2017, và nhiều khả năng đề thi sẽ phải tăng độ khó để đảm bảo tính phân loại phục vụ các trường sàng lọc thí sinh.
Thí sinh lưu ý, do đề thi trắc nghiệm nên kiến thức được rải đều toàn bộ chương trình và có độ bao phủ lớn, ngay cả những kiến thức tự học, giảm tải cũng có thể xuất hiện trong đề thi. Vì vậy, khi ôn tập các em không nên bỏ qua phần kiến thức nào.Dự thảo thí sinh không phải thi tốt nghiệp THPT
Tuy đây mới là đề xuất trong dự thảo, nhưng nếu được phê duyệt thì 2k sẽ không phải thi tốt nghiệp như những năm trước. Tốt nghiệp THPT có thể được xét theo phương thức mới.
Hình thức thứ nhất: Đánh giá thường xuyên do giáo viên phụ trách môn học tổ chức thực hiện dựa trên kết quả đánh giá của giáo viên, phụ huynh, bản thân học sinh và của các học sinh khác trong tổ, trong lớp.
Hình thức thứ hai: Đánh giá định kỳ do cơ sở giáo dục tổ chức thực hiện. Học sinh hoàn thành các môn học, tích lũy đủ kết quả đánh giá theo quy định của Bộ GD&ĐT được cấp bằng tốt nghiệp.
Hình thức thứ ba: đánh giá trên diện rộng ở cấp quốc gia, cấp địa phương, do tổ chức kiểm định chất lượng cấp quốc gia hoặc cấp tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư tổ chức để phục vụ công tác quản lý các hoạt động dạy học, phát triển chương trình và nâng cao chất lượng giáo dục.
Tác giả: Hồ Thị Xuân
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn