Hệ thống tạo lập website thi trắc nghiệm trực tuyến AZtest

https://aztest.vn


Nhớ kỹ, hiểu sâu kiến thức Lịch sử nhờ đồ dùng trực quan

Chia sẻ về dạy học Lịch sử, cô Lê Thị Hồng - Trường THPT Hoằng Hóa 2 (Thanh Hóa) đề cập đến cách phương pháp trực quan và cho rằng, phương pháp này giúp học sinh nhớ kỹ, hiểu sâu những hình ảnh, những kiến thức Lịch sử.
Nhớ kỹ, hiểu sâu kiến thức Lịch sử nhờ đồ dùng trực quan

Nhớ kỹ, hiểu sâu kiến thức Lịch sử nhờ đồ dùng trực quan

Sử dụng đồ dùng trực quan để lĩnh hội kiến thức mới

Trong quá trình hướng dẫn học sinh tổ chức lĩnh hội kiến thức mới, phát huy tính tích cực học tập của các em.

Giáo viên nên kết hợp cho học sinh theo dõi đồ dùng trực quan (lược đồ, bản đồ, tranh ảnh) với việc sử dụng câu hỏi gợi mở từ dễ đến khó mang tính chất khái quát, yêu cầu các em phát huy cao độ năng lực tư duy độc lập để rút ra kết luận có tính chất khái quát, giải quyết những vấn đề trọng tâm của bài.

Trong quá trình học sinh trao đổi, thảo luận để tìm ra câu trả lời, giáo viên là người đóng vai trò điều khiển chung, hướng dẫn, giúp đỡ học sinh lần lượt từng bước giải quyết vấn đề thông qua hệ thống câu hỏi gợi mở.

Ví dụ: khi dạy bài 18 “Những năm đầu của cuộc kháng chiến toàn quốc chống thực dân Pháp (1946 - 1950), giáo viên có thể sử dụng lược đồ “Chiến dịch Biên giới thu - đông 1950”.

Trước hết giáo viên lựa chọn thời điểm sử dụng lược đồ cho hợp lý, đó là khi dạy mục 2 “Chiến dịch Biên giới thu - đông 1950”, trong quá trình hướng dẫn học sinh tìm hiểu chiến dịch, giáo viên có thể đưa ra các câu hỏi gợi mở khi giảng từng nội dung như:

Qua quan sát lược đồ, em hãy xác định địa bàn của chiến dịch? Tại sao ta quyết định đánh Đông Khê để mở đầu chiến dịch?

Giáo viên đưa ra các câu gợi mở trên trước các nội dung cần giảng. Tùy từng đối tượng học sinh để chúng ta sử dụng các câu hỏi gợi mở, nếu như học sinh không trả lời được các câu hỏi trên, chúng ta có thể gợi ý những câu hỏi nhỏ hơn trong từng nội dung:

Quan sát lược đồ, em thấy địa bàn diễn ra chiến dịch Biên giới gồm những tỉnh nào? Đông Khê có vị trí như thế nào mà quân ta quyết định mở trận đánh đầu tiên?...

Với các câu hỏi gợi mở trong từng phần giảng học sinh sẽ phải suy nghĩ một cách tích cực, chủ động trong hoạt động nhận thức để tìm hiểu các nội dung đưa ra.

Kết hợp bản đồ với tường thuật, thảo luận

Khi khai thác và sử dụng bản đồ, lược đồ phản ánh một biến cố, sự kiện nào đó không thể thiếu việc lược thuật hay tường thuật của giáo viên hoặc học sinh, điều đó làm bài học trở nên sinh động, chân thực, khơi dậy những cảm xúc lịch sử cho các em.

Những sự kiện lịch sử được tường thuật sẽ tạo ra cảm giác cho các em như đang tham gia hay chứng kiến diễn biến một sự kiện lịch sử.

Ví dụ: khi dạy học mục 2 “Chiến dịch Biên giới thu - đông 1950” (Bài 18) đối với các lớp có học lực khá giỏi, thời gian cho phép, giáo viên yêu cầu học sinh nghiên cứu lược đồ Chiến dịch Biên giới thu đông 1950 kết hợp với SGK để trả lời các câu hỏi gợi mở do giáo viên đặt ra.

Sau khi học sinh tìm hiểu, giáo viên yêu cầu một em lên bảng lược thuật, giáo viên và các bạn ở dưới bổ sung.

Với đối tượng học sinh học trung bình hoặc thời gian bài học không cho phép, giáo viên nên giới thiệu khái quát lược đồ, tường thuật ngắn gọn rồi cho các em trao đổi.

Sử dụng tranh ảnh kết hợp miêu tả, phân tích, đàm thoại

Tranh ảnh tạo được biểu tượng, góp phần cụ thể hoá kiến thức, có tác dụng làm cho học sinh yêu thích môn lịch sử. Do đó, để sử dụng tranh ảnh lịch sử có hiệu quả, phát huy được tính tích cực hoạt động của học sinh cần kết hợp với miêu tả có phân tích, đàm thoại.

Ví dụ: với bức ảnh hình 52 “Các đại biểu dự Đại hội toàn quốc thống nhất Việt Minh - Liên Việt (1951)” Bài 19 “Bước phát triển của cuộc kháng chiến toàn quốc chống thực dân Pháp (1951 - 1953)”, bức ảnh này được sử dụng khi dạy mục III “Hậu phương kháng chiến phát triển về mọi mặt” để cụ thể hóa sự kiện thống nhất mặt trận Việt Minh và hội Liên Việt.

Trước hết giáo viên giới thiệu về bức ảnh ghi lại hình ảnh các đại biểu tham dự đại hội thống nhất mặt trận Việt Minh và Hội Liên Việt rồi hướng dẫn học sinh quan sát từ trên xuống dưới, từ trái qua phải.

2
Sử dụng tranh ảnh kết hợp miêu tả, phân tích, đàm thoại giúp học sinh tìm hiểu kiến thức

Giáo viên đưa ra câu hỏi gợi mở để học sinh trả lời: Quan sát trang phục, nét mặt của những người trong ảnh, chúng ta thấy thành phần tham dự đại hội toàn quốc thống nhất Việt Minh - Liên Việt như thế nào?

Học sinh trao đổi đàm thoại qua những câu gợi mở, quá trình đó sẽ giúp các em có biểu tượng ban đầu về các thành phần tham gia.

Sau đó giáo viên miêu tả khái quát: Trong ảnh là quang cảnh ở bên ngoài hội trường. Ở trên cửa ra vào hội trường có gắn tấm biển đề hàng chữ “Đại hội toàn quốc thống nhất Việt Minh - Liên Việt”, có 29 đại biểu chụp ảnh kỷ niệm.

Quan sát bức ảnh ta thấy rõ các đại biểu tham dự gồm đủ mọi giới: phụ nữ, nam giới, người già, người trẻ, có cả những người theo tôn giáo (phía trái bức ảnh), những người dân tộc thiểu số (bên phải bức ảnh)… Chủ tịch Hồ Chí Minh là người ngồi giữa.

Giáo viên tiếp tục gợi mở “Chủ tịch Hồ Chí Minh ngồi ở giữa nói lên điều gì?”. Điều đó nói lên Bác và Đảng là trung tâm của khối đại đoàn kết dân tộc, tổ chức lãnh đạo khối đại đoàn kết.

Cuối cùng giáo viên đưa ra câu hỏi: “Qua đó em có suy nghĩ gì về mục đích tổ chức mặt trận của Đảng?”. Mặt trận Liên Việt là mặt trận dân tộc thống nhất, đoàn kết tất cả các đoàn thể, tôn giáo, đảng phái, các cá nhân yêu nước nhằm thắt chặt khối đại đoàn kết toàn dân để kháng chiến, kiến quốc thắng lợi.

Tuyên ngôn của đại hội ghi rõ mục đích của Mặt trận Liên Việt là tiêu diệt thực dân Pháp, đánh bại can thiệp Mỹ, trừng trị Việt gian phản quốc, thực hiện một nước Việt Nam độc lập, thống nhất dân chủ, tự do, phú cường và góp sức vào bảo vệ nền hòa bình dân chủ thế giới.

Sử dụng đồ dùng trực quan củng cố kiến thức

Sử dụng đồ dùng trực quan trong củng cố kiến thức đã học cho học sinh mang lại nhiều hiệu quả hơn so với việc củng cố kiến thức bằng trao đổi đàm thoại, nêu và trả lời câu hỏi đơn thuần.

Việc sử dụng đồ dùng trực quan trong củng cố kiến thức gây được hứng thú học tập, giúp các em khắc sâu kiến thức.

Đối với lược đồ - bản đồ, để củng cố kiến thức cho học sinh giáo viên có thể thông qua nhiều hình thức khác nhau.

Cụ thể: Dựa vào bản đồ để nêu và trả lời các câu hỏi, hướng dẫn học sinh quan sát kĩ hơn và nêu lên các điểm mới.

Dựa vào bản đồ để trình bày lại những kiến thức đã học một cách phong phú, cụ thể, sinh động hơn hoặc sử dụng bản đồ nhưng dưới dạng bản đồ “câm”, yêu cầu học sinh điền đầy đủ các kí hiệu rồi dựa vào đó để trình bày lại các vấn đề đã học.

Việc sử dụng tranh ảnh lịch sử để củng cố kiến thức đã học là một việc làm tương đối khó, do vậy giáo viên nên kết hợp với hệ thống câu hỏi.

Qua đó giúp các em nắm vững chắc, hiểu sâu, nhớ lâu hơn những kiến thức đã học, đồng thời rèn luyện kĩ năng quan sát, miêu tả, phân tích và rút ra kết luận lịch sử cho học sinh.

Bài tập về nhà thường được nêu vào cuối giờ học. Bài tập cần hướng vào những vấn đề quan trọng của nội dung bài học. Bài tập sẽ giúp các em hiểu rõ những vấn đề, những sự kiện cơ bản của bài học.

Bài tập về nhà chỉ có hiệu quả tối đa khi giáo viên tiếp tục bồi dưỡng, củng cố kiến thức mà học sinh đã học, tiếp tục hoàn thiện nhiệm vụ giáo dục và phát triển cho các em.

Giáo viên có thể sử dụng các sơ đồ, niên biểu, bảng biểu để ra bài tập về nhà, củng cố kiến thức cho học sinh.

Sử dụng đồ dùng trực quan để kiểm tra, đánh giá

Có nhiều cách để tiến hành kiểm tra, đánh giá trong đó việc sử dụng đồ dùng trực quan là một biện pháp đạt hiệu quả cao.

Việc kết hợp sử dụng đồ dùng trực quan trong kiểm tra đánh giá có thể tiến hành trong nhiều trường hợp như kiểm tra bài cũ, kiểm tra viết (15 phút, 45 phút…) khi kiểm tra chất lượng học sinh đầu kì, giữa kì, cuối kì hoặc bài kiểm tra theo phân phối chương trình.

Kết luận, cô giáo Lê Thị Hồng nhấn mạnh: Để giúp học sinh phát huy tính tích cực trong quá trình học tập môn lịch sử ở trường THPT đòi hỏi giáo viên phải sử dụng nhiều biện pháp sư phạm…

Tuy nhiên trong dạy học lịch sử không có biện pháp nào là vạn năng để phát huy tối đa tính tích cực, chủ động trong quá trình học tập của các em.

Việc sử dụng các biện pháp sư phạm nói trên chỉ thực sự đem lại hiệu quả giáo dục khi được giáo viên sử dụng một cách linh hoạt, mềm dẻo, tuỳ mục đích của bài và khả năng nhận thức của học sinh.

Hy vọng với những chia sẻ trên đây của AZtest, quý thầy cô đã có thêm một phương pháp hay để dạy học Lịch sử.  

>>>Xem thêm: Cách tạo đề thi trắc nghiệm Lịch sử lớp 10. 

ĐỪNG QUÊN ĐỂ LẠI EMAIL CUỐI BÀI ĐỂ NHẬN THÊM NHỮNG THÔNG TIN HẤP DẪN CỦA AZTEST

---------------------------------------------------------------------------------------------------------

--------------------------------------------
AZtest là hệ thống tạo lập website thi trắc nghiệm trực tuyến do
 CÔNG TY CỔ PHẦN TDFOSS phát triển. Với AZtest, người dùng có thể dễ dàng sở hữu một website tổ chức ôn tập, thi trắc nghiệm trực tuyến hoàn toàn miễn phí, độc lập, được cá nhân hóa theo yêu cầu của người quản trị.

Liên hệ hotline 0987.893.519 hoặc Fanpage https://m.me/aztest.vn để được tư vấn trực tiếp bởi đội ngũ kỹ thuật viên của AZtest.

 Hải Bình

Nguồn tin: Giáo dục và thời đại

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây